Thứ 3, Ngày 20/05/2025 -

Bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ mùa phù hợp
Ngày đăng: 25/06/2014  07:13
Mặc định Cỡ chữ
 

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn tỉnh, mùa mưa năm nay bắt đầu muộn hơn so với quy luật nhiều năm, riêng các huyện phía Đông Bắc (Kon Plong, Tu Mơ Rông và Bắc Đắk Glei) tỉnh mùa mưa bắt đầu vào khoảng trung tuần tháng 6. Dự báo, mùa mưa sẽ kết thúc muộn hơn với quy luật nhiều năm, mưa lớn tập trung trong các tháng 8, tháng 9 và tháng 10. Việc bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp...

Chuẩn bị đất cho gieo cấy lúa vụ mùa
 
Đối với cây lúa nước
 
Theo Sở NN&PTNT, để sản xuất thắng lợi, bà con cần bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng phù hợp. Về sản xuất lúa nước, bà con sử dụng giống xác nhận đã được Bộ NN&PTNT công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh, có năng suất và phẩm chất cao. Các giống lúa trong cơ cấu giống lúa của tỉnh được khuyến cáo sản xuất như: HT1, VND 95-20; IR56279,13/2, Xi23, SH2, Hương cốm, VD20, KD 18, RVT, BC 15, TBR45, Khang dân đột biến, Nhị ưu 838 và Nghi hương 2308. Đối với vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông, bà con nên sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như lúa IR56279, VND 95-20. Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn, bà con sử dụng những giống lúa chịu lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chịu phèn và chống chịu sâu bệnh như: DR2; Xi 23, IR 56279, VND 95-20, ĐV 108…
 
Thời gian xuống giống, đối với các xã tây Trường Sơn, cấy lúa từ ngày 10/6 - 10/7; sạ từ đầu tháng 6 đến 30/6. Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn, cấy từ ngày 10/6 - 30/6; sạ từ ngày 20/5 - 20/6. Đối với ruộng lúa 1 vụ, bà con thấy đủ nước tới đâu gieo cấy đến đó, nên gieo sớm và tập trung dứt điểm trước ngày 10/7.
 
Sau khi thu hoạch lúa đông-xuân, bà con cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, nạo vét, tu bổ kênh mương nội đồng; cày, xới và phơi ải đất kỹ nhằm cải tạo độ phì của đất, làm cho đất tơi xốp, giúp cho bộ rễ lúa phát triển tốt, đồng thời sẽ tạo ra khoảng trống về thời gian để cắt dòng lưu truyền rầy nâu gây hại và một số sâu bệnh khác có thể lưu truyền phát sinh trên đồng ruộng. Đối với những chân ruộng bị chua, phèn, bà con nên bón vôi cải tạo đất. Trong sản xuất, bà con mở rộng áp dụng biện pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”. 1 phải là phải sử dụng giống lúa xác nhận; 5 giảm là giảm lượng giống (lượng giống gieo từ 80-120kg/ha đối với lúa thuần và 40 kg/ha đối với lúa lai, giảm phân đạm (dùng bảng so màu lá lúa để bón đạm), giảm thuốc bảo vệ thực vật (sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp “4 đúng”), giảm nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch. Việc bón phân nên tăng cường sử dụng phân chuồng, các loại phân có nguồn gốc hữu cơ, hữu cơ sinh học và sử dụng phân NPK cân đối, hợp lý. Sau khi xuống giống, bà con cần chú ý công tác dự tính, dự báo kịp thời tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng dịch hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen trên cây lúa (nếu phát hiện, kịp thời báo cáo về Sở NN&PTNT để chỉ đạo và có biện pháp phòng trừ, tránh lây lan ra diện rộng). Sau cấy hoặc gieo sạ từ 10-12 ngày, bà con cần tranh thủ làm cỏ, sục bùn kết hợp bón thúc phân sớm để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh tập trung, hạn chế sâu bệnh.
 
Đối với cà phê, cao su
 
Đối với cây cao su, cà phê, tập trung xuống giống vào đầu tháng 6 đến 15/7 và kết thúc trồng dặm trước 15/8.Cây cao su, bà con nên sử dụng các dòng cao su vô tính PB 260, PB 312, PB 255, RRIC 121…có sức đề kháng cao với bệnh phấn trắng (do nấm Oidium heveae gây ra) theo khuyến cáo cơ cấu giống giai đoạn 2011- 2015 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Với cà phê vối khi trồng mới, tái canh, ghép cải tạo giống mới cần sử dụng một số dòng vô tính cà phê TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13, giống lai đa dòng có kích thước hạt to, năng suất cao, kháng bệnh gỉ sắt, chín tập trung đã được Bộ NN&PTNT công nhận được phép sản xuất kinh doanh. Với cây cà phê chè, bà con nên chuyển đổi, thay thế dần giống cà phê Catimor thấp cây, hạt nhỏ, chất lượng thấp bằng một số giống cà phê lai TN1, TN2, dòng thuần TH1 có kích thước hạt lớn, năng suất và chất lượng cao, thích nghi rộng, kháng được bệnh gỉ sắt đã được Bộ NN&PTNT công nhận được phép sản xuất kinh doanh.
 
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con kỹ thuật
trồng cà phê chè xứ lạnh ở huyện Kon Plông
 
Trước khi tiến hành trồng cao su, cà phê, bà con cần chuẩn bị đất kỹ như phát dọn thực bì, tàn dư thực vật cây trồng vụ trước để hạn chế mối phá hoại; đào hố kết hợp bón lót phân chuồng hoai, phân lân trước khi trồng một tháng; trên đất có độ dốc lớn cần thiết kế hàng trồng theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn, thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch.
 
Theo Sở NN&PTNT, việc bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng phù cùng với việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản ở địa phương.
 
Bài, ảnh: Văn Nhiên