Thứ sáu, Ngày 09/05/2025 -

Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Ngày đăng: 09/05/2025  14:17
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai tại địa phương, qua đó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm kiểm tra một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng tại xã Ngọc Yêu và Văn Lem

 

Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt và ban hành Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 09-7-2020 để triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã cụ thể hóa để triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, địa phương.

 

Theo dự báo, tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường, nguy cơ rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng, khó dự báo trước. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh, do ảnh hưởng của mưa bão và các đợt mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập lụt đã gây thiệt hại 84 căn nhà; 12 điểm trường bị ảnh hưởng; 08 nhà văn hóa bị ảnh hưởng; 03 trụ sở làm việc bị ảnh hưởng; khoảng 12,5ha lúa; 03 ha cây cà phê, cao su và khoảng 45 gốc Sâm ngọc Linh bị ngã đổ và 4.000m2 chanh dây bị ảnh hưởng; 06 con gia súc bị chết; 25 hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng, xói lở; nhiều tuyến đường bị xói lở... ước tính tổng thiệt hại hơn 120 tỷ đồng. Ngoài ra, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước đã xảy đã làm 335,7 ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước vụ Đông Xuân 2023-2024.

 

Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 436 trận động đất (xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận). Qua kiểm tra, dư chấn động đất chỉ gây lung lắc trong thời gian rất ngắn chưa gây thiệt hại về người và tài sản.

 

Nhận diện rõ những thách thức do thiên tai gây ra, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền Chỉ thị số 42-CT/TW và nội dung PCTT và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ qua các cuộc họp với cộng đồng dân cư, sử dụng ngôn ngữ và phương thức truyền thông phù hợp để phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đối với từng vùng, từng đối tượng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, nhận thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác phòng, chống thiên tai được nâng cao rõ rệt.

 

Để dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai kịp thời, tỉnh đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa 68 Trạm đo mưa tự động lắp đặt tại các xã, phường để cập nhật, bổ sung số liệu nhằm cảnh báo sớm về thời tiết, thiên tai; kịp thời chia sẻ, phổ biến thông tin liên quan công tác phòng, chống thiên tai đến cán bộ và Nhân dân để chủ động ứng phó.

 

Thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Đến nay, lực lượng tham gia khoảng trên 5.200 người, nòng cốt là Dân quân tự vệ, Công an xã, Đoàn Thanh niên, cán bộ công chức cấp xã, thôn làng, tổ dân phố và người dân với trang bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị như: xuồng; Ca nô; phao cứu sinh; nhà bạt; máy phát điện.. ngoài ra còn huy động thêm xe tải, xe cứu thương, máy xúc, máy đào…từ các địa phương, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân.

 

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh đã kịp thời kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại, đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra, tổ chức thăm hỏi động viên, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình có người bị nạn, huy động lực lượng tại chỗ, vận động Nhân dân khắc phục nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng nhẹ, chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình sớm khắc phục tạm các tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc để đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.

 

Đã kịp thời phân bổ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, kết hợp với ngân sách dự phòng tỉnh, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ cứu trợ tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trong năm 2020, xuất 69.520 triệu đồng; năm 2021, xuất 840 triệu đồng; năm 2022, phân bổ 30.000 triệu đồng; năm 2023, phân bổ 130.000 triệu đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh.

 

Để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng; kế hoạch đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; dự án sắp xếp các điểm dân cư ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao gắn với sinh kế bền vững, bảo đảm người dân sớm ổn định đời sống.

 

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW đã tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

 

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai; tập trung xây dựng hệ thống truyền tin cảnh báo thiên tai từ trung tâm cấp xã về các thôn, làng và người dân; nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện hạn hán, thiếu nước; tăng cường công tác tuyên truyền trong đó chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, ngôn ngữ, phương thức truyền thông để phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai tới cộng đồng phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS./.

 

                                                                             Lê Hằng