Thứ 7, Ngày 24/05/2025 -

Elnino và xu thế thời tiết, thủy văn nửa cuối năm trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 27/06/2014  02:54
Mặc định Cỡ chữ
 

Khả năng xuất hiện El Nino năm 2014

El Nino là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng nóng lên không bình thường (với ngưỡng chuẩn sai 0,5oC) của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía Đông Xích đạo Thái Bình Dương kéo dài trong thời gian từ 5 mùa trượt 3 tháng trở lên. Do 2 hiện tượng El Nino/La Nina (diễn ra trong đại dương) và SO (diễn ra trong khí quyển, biểu thị dao động của chênh lệch khí áp giữa Tây và Trung tâm Xích đạo Thái Bình Dương) có quan hệ mật thiết với nhau nên chúng được liên kết lại thành một hiện tượng kép, gọi tắt là ENSO. Như vậy, El Nino còn được gọi là "pha nóng" của ENSO và ngược lại là "pha lạnh": La Nina.
 
Thông thường, hiện tượng El Nino, pha trung gian và hiện tượng La Nina xuất hiện kế tiếp nhau và mỗi hiện tượng El Nino/La Nina xuất hiện cách nhau từ 2 đến 7 năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy trong thời gian gần đây, hiện tượng El Nino có dấu hiệu xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn.
 
Theo kết quả dự báo của các mô hình thống kê và động lực của các Trung tâm Khí hậu lớn trên thế giới khả năng xuất hiện El Nino trong mùa Hè năm 2014 là 70% và vào mùa Thu, mùa Đông năm 2014/2015 là 80% . Cũng theo các Trung tâm này chỉ số SSTA tại khu vực NINO3.4 đạt cao nhất vào khoảng 1,3-1,5 oC vào cuối năm 2014. Đây sẽ là các căn cứ quan trọng để nhận định về diễn biến khí hậu ở Việt Nam theo các năm El Nino tương tự trong quá khứ.
 
Tác động chung của El Nino đến Việt Nam
 
Ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng trong điều kiện El Nino đều cao hơn bình thường, mùa đông chênh lệch rõ rệt hơn mùa hè, các khu vực phía Nam chịu ảnh hưởng rõ hơn ở phía Bắc với tổng chuẩn sai nhiệt độ tại các trạm tiêu biểu ở phía bắc như Lạng Sơn, Sơn La, Hà Nội, Vinh dao động từ 1,2 - 1,5oC, trong khi đó tại các trạm phía nam như Đà Nẵng, Pleiku, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh, trị số này dao động từ 1,5 - 2oC. Ngoài ra, hiện tượng El Nino, nhất là các đợt El Nino mạnh (1982 - 1983, 1997 - 1998) còn gây ra nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ở nhiều nơi như Đà Nẵng có nhiệt độ 40,1oC (6/1998), Pleiku: 38,1oC (5/1998), TP Hồ Chí Minh: 39,3oC (5/1998).
 
 Xác suất xuất hiện El Nino trong 3 khả năng (Nguồn: Viện Nghiên cứu quốc tế về dự báo khí hậu/Trung tâm Dự báo khí hậu Hoa Kỳ) Kết quả dự báo chỉ số biểu thị cường độ của El Nino (Nguồn: Viện Nghiên cứu quốc tế về dự báo khí hậu/Trung tâm Dự báo khí hậu Hoa Kỳ
 
Hầu hết các đợt El Nino gây thiếu hụt lượng mưa ở các vùng với hiệu số giữa tổng lượng mưa thực tế trong từng đợt với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm (TBNN) của cùng thời kỳ phổ biến từ 25 đến 50%. Đáng chú ý là, đa số các đợt El Nino gây ra tình trạng hụt mưa, song một số đợt đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi, cho thấy ENSO làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
 
Khoảng 40% số năm El Nino có số lượng bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam ít hơn TBNN, 53% ở mức xấp xỉ TBNN và chỉ có 5% số năm cao hơn TBNN. Như vậy, nhận định chung là vào năm El Nino hoạt động của bão và ATNĐ ít hơn hoặc xấp xỉ TBNN. Tuy nhiên, đáng lưu ý là trong các năm El Nino 1997, 2006, 2009 lại ghi nhận các cơn bão mạnh và hiếm gặp như bão Linda (1997), Xangsane (2006) và Ketsana (2009) gây thiệt hại kỷ lục về người và tài sản.
 
Tóm tắt tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn ở Kon Tum trong nửa đầu năm 2014
 
Trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12/2013 đến tháng 1/2014, do không khí lạnh hoạt động khá mạnh nên nền nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn Tỉnh ở mức thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 2, nhiệt độ tăng dần; Tháng 4 và tháng 5/2014 đã xảy ra các đợt nắng nóng nhưng không quá gay gắt.
 
Trong 5 tháng đầu năm 2014, tổng lượng mưa ở trên phạm vi toàn Tỉnh  phổ biến thiếu hụt từ 10- 30%. Các tháng 1, 2, 3 hầu như không có mưa; riêng TP Kon Tum và huyện Đắk Glei có một và trận mưa dông. Mưa trong nửa đầu năm 2014 tập trung chủ yếu trong các tháng 4, 5, nhưng không có đợt mưa lớn nào. 
Trên các sông mực nước và lượng dòng chảy luôn duy trì ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN và không xuất hiện lũ sớm.
 
Nhận định diễn biến thời tiết, thủy văn ở Kon Tum trong nửa cuối năm  2014 và đầu năm 2015
 
Số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta sẽ ít hơn so với TBNN, tuy nhiên tiềm ẩn những cơn bão mạnh và có hướng di chuyển phức tạp không theo quy luật khí hậu, xuất hiện tập trung trong thời đoạn ngắn, đặc biệt là vào thời kỳ cuối năm và ở khu vực Nam Biển Đông. Những trận bão này có khả năng ảnh hưởng đến thời tiết tỉnh Kon Tum.
 
Từ tháng 7 đến tháng 12/2014, nền nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn Tỉnh  phổ biến ở xấp xỉ và cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ.
 
Lượng mưa các tháng 7, 8, 9 đạt xấp xỉ cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; các tháng 10, 11/2014 đạt xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ
Mùa mưa năm 2014 có khả năng kết thúc sớm.
 
Lượng mưa trong thời kỳ đầu mùa khô năm 2014 -2005 có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
 
Mùa lũ năm 2014, trên các sông ở Kon Tum bắt đầu vào trung tuần tháng 7, kết thúc trong tháng 11; số trận lũ ít hơn so với mùa lũ năm 2013; mực nước đỉnh lũ lớn nhất năm đạt cao hơn mức báo động cấp 3 và xuất hiện trong các tháng 8, 9 đối với lưu vực sông Pô Kô; tháng 9, tháng 10 hoặc nửa đầu tháng 11 đối với lưu vực sông Đắk Bla.
 
Kết luận:
 
Nhiều khả năng xuất hiện El Nino trong nửa cuối năm 2014 và có thể kéo dài đến mùa Xuân năm 2015. Nếu xuất hiện, El Nino sẽ có cường độ trung bình so với các El Nino đã xuất hiện trong khoảng 50 năm gần đây. Trong nửa cuối năm 2014 do tác động của hiện tượng El Nino dẫn đến khả năng bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam ít hơn bình thường nhưng tiềm ẩn yếu tố bất thường. Ở Kon Tum, mùa mưa năm 2014 kết thúc sớm và lượng mưa thiếu hụt so với TBNN. Các đợt mưa to trên diện rộng xuất hiện ít hơn so với mùa mưa năm 2013 nhưng lượng mưa của từng đợt lại lớn hơn và thời gian mưa ngắn hơn nên rất dễ sinh tai biến thiên tai nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu. Cuối mùa lũ, đầu mùa cạn dòng chảy sẽ suy giảm nhanh. Do vậy, trong mùa khô 2014 -2015 có khả năng tình trạng thiếu nước, khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng.
 
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tỉnh Kon Tum sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của các điều kiện khí quyển, đại dương liên quan đến ENSO và thường xuyên cập nhật thông tin về hiện tượng El Nino cũng như tác động đến thời tiết, thủy văn tỉnh Kon Tum.
 
Nguyễn Văn Huy
Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum