Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Biến đổi khí hậu và những biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Kon Tum
Ngày đăng: 07/11/2012  08:27
Mặc định Cỡ chữ
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là sự biến động trạng thái trung bình của khí quyển toàn cầu hay khu vực theo thời gian từ vài thập kỷ đến hàng triệu năm. Những biến đổi này được gây ra do quá trình động lực của trái đất, bức xạ mặt trời, và gần đây có thêm hoạt động của con người. BĐKH trong thời gian thế kỷ 20 đến nay được gây ra chủ yếu do con người, do vậy thuật ngữ BĐKH (hoặc còn được gọi là sự ấm lên toàn cầu - global warming) được coi là đồng nghĩa với BĐKH hiện nay và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, là một thách thức lớn đối với nhân loại trong đó có Việt Nam.

 

Hồ Đăk Ui - Ảnh minh họa: Văn Phương

Biểu hiện của BĐKH bao gồm trước hết ở quá trình nóng lên của khí quyển Trái Đất nói chung kéo theo sự thay đổi thành phần, chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và sinh vật; làm cho băng tan đẩy mực nước biển dâng cao nhấn chìm các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển. BĐKH cũng được biểu hiện qua quá trình thay đổi cường độ hoạt động của hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong thiên nhiên và các chu trình sinh địa hóa khác, làm thay đổi sự di chuyển của các đới khí hậu tồn tại hàng ngàn năm trên các vùng khác nhau của Trái Đất dẫn đến sự gia tăng tính chất cực đoan của thời tiết ở nhiều nơi, đồng thời làm thay đổi năng suất sinh học của hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thủy quyển, sinh quyển và địa quyển, đe dọa sự sống của các loài sinh vật, các hệ sinh thái và hoạt động của con người.

Kon Tum vốn là vùng đất nhận được nhiều ưu ái của thiên nhiên bởi khu vực này nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt độ tương đối ôn hòa, lượng mưa dồi dào, quanh năm chan hòa ánh nắng. Do vậy mà khu vực này có hệ sinh thái phát triển phong phú, đa dạng, qua đó góp phần quan trọng vào việc điều hòa khí hậu, cung cấp nguồn tài nguyên nước cho khu vực và các vùng lân cận. Nhưng, cũng giống như các vùng khí hậu khác, khí hậu Kon Tum chịu sự chi phối mạnh mẽ của hoàn lưu khí quyển, một trong ba nhân tố cơ bản hình thành nên khí hậu của một xứ sở nên những tác động của BĐKH toàn cầu đang có ảnh hưởng rõ nét tới khí hậu của tỉnh. Ngược lại, những thay đổi về diện mạo và lớp thảm phủ của bề mặt đất của Tỉnh cũng có tác động làm thay đổi mức độ nhận, trả lượng bức xạ mặt trời, nhân tố quan trọng nhất trong ba nhân tố cơ bản tạo nên khí hậu địa phương, qua đó tác động trở lại quá trình BĐKH.
 
Ở Kon Tum số liệu quan trắc mưa cho thấy mưa từ năm 1976 đến năm 2010, chênh lệch năm mưa lớn nhất và năm mưa nhỏ nhất gấp 2 đến 2,5 lần. Số năm có lượng mưa trong mùa mưa dưới trung bình nhiều năm tại TP Kon Tum và các huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Sa Thầy từ 45 – 52%. Số năm có lượng mưa trong mùa khô thấp hơn trung bình nhiều năm là tại các vùng nói trên là từ 50 – 55%. Xem xét dưới góc độ tổng lượng mưa năm thì thấy lượng mưa trung bình của thời kỳ 1995 - 2010 lại cao hơn đáng kể so với lượng mưa trung bình thời kỳ 1976 – 1994 (từ 150 – 200mm). Ví dụ như tại TP Kon Tum; Lượng mưa năm trung bình nhiều năm trong thời kỳ 1995 – 2010 cao hơn lượng mưa năm trung bình nhiều năm thời kỳ 1976 – 1994 là 190mm. Sự phân bố mưa theo không gian và thời gian cũng có những thay đổ mạnh mẽ. Chênh lệch giữa nơi ít mưa nhất và nơi nhiều mưa nhất trong tỉnh thời kỳ 1976 – 1994 là 1200 – 1300m; thời kỳ 1995 – 2010 là 1350 – 1450mm; Chênh lệch lượng mưa giữa năm mưa nhiều nhất và năm mưa ít nhất của thời kỳ 1995 – 2010 cũng cao hơn nhiều so với thời kỳ 1976 – 1994. Đáng lưu ý nhất là hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lượng lớn xảy ra trong không gian hẹp đã có tần suất xuất hiện nhiều hơn, là nguyên nhân khiến cho loại hình thiên tai lũ quét và sạt lở đất có xu hướng xuất hiện liên tiếp trong những năm qua.
 

Nhiệt độ trung bình năm giai đoạn 1995 – 2010 đã tăng từ 0,5 đến xấp xỉ 0,7oC so với thời kỳ 1976 – 1994. Chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cũng có xu hướng tăng theo hướng tăng cao về ban ngày, hạ thấp về ban đêm. Nhiệt độ cao nhất trong các tháng mùa nóng (tháng 3 – 5) chưa có dấu hiệu tăng cao hơn trước đây nhưng số ngày có nhiệt độ cao nhất đạt bằng và lớn hơn 350C lại nhiều hơn. 

 
Tần xuất xuất hiện thiên tai cũng có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ. Nếu như trong giai đoạn 1976-1990, tần xuất xuất hiện thiên tai nghiêm trọng gây hại trên diện rộng vào khoảng 20% - 25% (4 – 5 năm xuất hiện một lần) thì giai đoạn 1995 – 2010 đã tăng lên từ 25 – 30% và có thể tăng lên xấp xỉ 35% trong những năm tới. Trong những năm gần đây, năm nào cũng xuất hiện thiên tai gây hại ở các quy mô khác nhau.
 
Những biểu hiện của tác động biến đổi khí hậu toàn cầu đến tỉnh Kon Tum là rõ ràng, không còn là vấn đề dự báo. Với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum hiện nay, đòi hỏi phải có những hoạch định phù hợp về chính sách cũng như kế hoạch phát triển, nhất là sản xuất nông - lâm - nghiệp và khai thác thủy năng sao cho phù hợp với điều kiện phát triển tự nhiên, hạn chế rủi ro và mang tính bền vững. Lúc này cần khẩn trương thực hiện các nghiên cứu đánh giá tác động của  BĐKH đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong hiện tại và những năm tới, từ đó làm cơ sở để địa phương xây dựng các chiến lược kế hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể. Rõ ràng, đã đến lúc cần có một chương trình nghiên cứu đầy đủ về BĐKH ở Kon Tum, bao gồm cả hoạch định chính sách, các chuyên gia quy hoạch và lập kế hoạch, nhằm rà soát, kiểm định lại các kết quả nghiên cứu đã có, tiếp cận với những kết quả nghiên cứu mới nhất để từ đó đưa ra những luận cứ khoa học tin cậy làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, quy hoạch dài hạn nhằm bảo đảm cho phát triển bền vững.
 
KS Nguyễn Văn Huy
Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum