Chủ nhật, Ngày 27/04/2025 -

UBND tỉnh làm việc với các cơ quan, địa phương về công tác đào tạo nghề
Ngày đăng: 26/04/2025  17:09
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 26/4, đồng chí Y Ngọc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình, kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề và lao động việc làm trên địa bàn tỉnh.

 

Quang cảnh buổi làm việc

 

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố.

 

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, thời gian qua, việc triển khai chính sách đào tạo và lao động việc làm trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giúp người dân có kiến thức, công việc ổn định, từng bước tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

 

Trong 4 tháng đầu năm toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động, đạt 83% kế hoạch năm. Trong đó, cung ứng 272 lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm trên 1.350 lao động; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 50 lao động, tạo việc làm cho người lao động thông qua các chương trình khác được các địa phương cho 3.335 lao động.

 

Đối với công tác đào tạo nghề, 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đào tạo được trên 1.740 người, với trình độ cao đẳng, sơ cấp, dưới 3 tháng. Trung tâm Lưu trữ lịch sử và Dịch vụ việc làm tỉnh luôn chủ động triển khai công tác tuyên truyền tư vấn, giới thiệu việc làm như: qua Website, điện thoại, trang Facebook, Zalo, cộng tác viên,.. Qua đó, đã tư vấn cho 568 lượt lao động, giúp người lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm phù hợp.

 

Trong quý I/2025, tình hình sản xuất kinh doanh và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực; trong quý có 61 doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng với 683 việc làm trống. Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong quý II năm 2025, khoảng hơn 1.300 việc làm trống, nhu cầu lao động làm việc tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến chế tạo - xây dựng; dịch vụ - thương mại,... thu hút lao động nhiều nhất, là cơ hội việc làm, thu nhập cao cho lao động của địa phương. Ngoài ra, thị trường lao động nước ngoài đang có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động Việt Nam đi làm tại các thị trường hàng đầu như: Nhật Bản, Hàn Quốc tuyển dụng các ngành: sản xuất chế tạo; xây dựng; nông nghiệp, ngư nghiệp; điều dưỡng viên,..

 

Bên cạnh một số kết quả đạt được, một số địa phương chưa chủ động triển khai kế hoạch kịp thời nên các địa phương chưa triển khai kịp thời các thông tin và số liệu lĩnh vực công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp, nên khó khăn cho việc tổng hợp số liệu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để phối hợp giải quyết.

 

Các đại biểu thảo luận tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất các cơ quan liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn kinh phí triển khai, chất lượng đào tạo nghề...

 

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận buổi làm việc

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lao động, việc làm theo đúng quy định; tuyên truyền, cung cấp kịp thời các thông tin về nhu cầu tuyển dụng việc làm của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong và ngoài nước đến người dân; thường xuyên tổ chức hoạt động tư vấn việc làm, sàn giao dịch việc làm, gắn kết nối cung, cầu thông qua tư vấn, giới thiệu trực tiếp hoặc sàn giao dịch việc làm (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm việc làm với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động;

 

Tiếp tục đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối với người lao động, người sử dụng lao động; định hướng cho người dân lựa chọn việc làm phù hợp; đổi mới công tác đào tạo nghề nghiệp, trong đó chú trọng đào tạo ngoại ngữ, đào tạo ngành nghề về dịch vụ.

 

Đồng chí đề nghị các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố nghiên cứu lồng ghép thực hiện có hiệu quả từ các chương trình MTQG gắn với giáo dục nghề nghiêp, lao động việc làm, chú trọng các nhóm lao động yếu thế, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số... sớm có việc làm ổn định thông qua việc đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm; thực hiện rà soát, kiểm tra kết quả thực hiện công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề ở từng địa phương, bám sát với chương trình MTQG và hoàn thành trước khi kết thúc hoạt động cấp huyện để phân lại chỉ tiêu cho cấp xã...

 

Minh Huệ