
|
Phóng viên Hữu Nam, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Ngọc Hồi
|
Được đào tạo chuyên môn ngành điện - tự động hóa, song cơ duyên đã đưa anh Nguyễn Hữu Nam về công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình Tu Mơ Rông, khi huyện mới được thành lập. Nhanh nhẹn, tháo vát, lại sẵn chút khiếu viết lách và chịu khó học hỏi anh em, nên sau một thời gian trực trạm truyền thanh truyền hình xã Đăk Hà, năm 2006, Nam được phân công sang tổ biên tập, vừa biên tập, vừa quay phim. Hiện nay, trong cương vị quản lý, Nguyễn Hữu Nam vẫn là “tay máy”, “cây viết” chủ lực của Đài TT-TH huyện.
Ở một trong số hai huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh, gian nan, vất vả với những phóng viên của đài huyện kể sao cho hết, nhưng lâu dần, cũng trở nên rất đỗi bình thường. Chính lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm đã làm thành sợi dây néo, giúp anh chị em không ngừng cố gắng, vượt qua mọi trở ngại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, và trong mọi hoàn cảnh dù là khắc nghiệt nhất diễn ra sự kiện, hoạt động, các phóng viên cơ sở đều cố gắng tác nghiệp một cách khẩn trương và chính xác nhất; tập trung tiếp nhận nhiều nhất lượng thông tin và hình ảnh để có thể phản ánh một cách chính xác, kịp thời nội dung tin tức, sự kiện đến khán giả, thính giả, độc giả.
Phóng viên Nguyễn Hữu Nam còn nhớ kỷ niệm lần tác nghiệp trong trận bão lũ năm 2014. Sau mấy ngày lặn lội ở vùng rốn bão ở các xã phía Tây của huyện (Đăk Na, Đăk Xao, Đăk Tờ Kan) để xác thực thiệt hại do bão gây ra và những khó khăn cấp bách đặt ra trong sinh hoạt, sản xuất, đời sống của bà con, chiều ấy, nhóm phóng viên của đài huyện theo xe ô tô của UBND huyện trở ra, mong kịp thời chuyển tải thông tin đến mọi người. Xe ra đến đèo Văn Loan thì nước ngầm dâng cao, không thể qua được.Công việc cấp bách, sốt ruột chờ hơn hai tiếng đồng hồ mà chưa thấy nước rút. Thế là quyết định “mở đường”. Anh em, được sự giúp sức tích cực của đồng bào địa phương đã khiêng xe qua ngầm, đảm bảo an toàn, nhanh chóng trở về trung tâm huyện, kịp thời chuyển tải những hình ảnh, tiếng nói trên làn sóng.
Hiện nay, các Đài Truyền thanh - truyền hình cấp huyện trong tỉnh bố trí khoảng 2-3 phóng viên “đa năng”- vừa quay phim vừa viết, nhiều khi còn đọc cả tin, bài. Ngoài chế độ lương và phụ cấp theo quy định, họ thường làm việc bất kể ngày đêm, làm ngoài giờ; nhưng thực tế, không có thêm bất cứ khoản chế độ nào khác. Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện, thành phố không được công nhận là cơ quan báo chí, nên ảnh hưởng đến việc thực thi chức trách, nhiệm vụ cũng như quyền hạn của anh chị em phóng viên cơ sở.
Biên chế dành cho Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện có hạn, nên cho dù đã công tác lâu năm, song không ít anh chị em vẫn chỉ thuộc diện hợp đồng. Một số đã qua đào tạo chuyên môn tại các cơ sở đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành phát thanh, truyền hình; song không ít anh chị em vẫn chủ yếu “tay ngang”.Tuy vậy, tất cả đều ý thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng của Đảng.Thực tế công tác chính là “trường”, “lớp” giúp họ tôi rèn, tích lũy kinh nghiệm, từng bước trưởng thành.
Công tác ở địa bàn huyện, thường xuyên phải đi cơ sở, về tận thôn, làng; đường sá xa xôi, mưa nắng bất thường, với phóng viên nam đã là thử thách. Phóng viên nữ càng vất vả hơn. Tuy vậy, chị em không hề thua kém về khả năng chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn. Phóng viên Tuyết Mai ở Đài TT-TH huyện Ngọc Hồi, người dân tộc Nùng, quê gốc Cao Bằng đã chọn vùng ngã ba biên giới Ngọc Hồi làm quê hương và công việc của người phóng viên làm nghiệp sống. May mắn đã qua đào tạo trung cấp truyền hình, chị không quản ngại khó khăn, luôn bám sát cơ sở, vừa quay vừa viết. Cũng như các anh chị em phóng viên ở các đài huyện trong tỉnh, chị đã tranh thủ theo học đại học, chuẩn hóa trình độ.
Do lực lượng mỏng, yêu cầu thông tin trên cả bề rộng và chiều sâu ngày càng đòi hỏi cao; nên quá trình tác nghiệp của anh chị em phóng viên ở cơ sở gặp khó khăn là điều không tránh khỏi.Nhiều khi, vừa đi cơ sở về, chưa kịp bắt tay viết, dựng; đã phải có mặt tại sự kiện khác; nên thông tin bị “nguội”, không thể chuyển tải nhanh chóng, kịp thời. Trong quá trình tác nghiệp, do phải kiêm nhiệm nhiều, nên chất lượng công tác chuyên môn của anh chị em nhiều khi cũng là vấn đề đặt ra. Mặt khác, thực tế điều kiện công tác, nhất là trang thiết bị, máy móc chuyên dụng của đài huyện vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, lại thường xuyên hư hỏng phải tự khắc phục cũng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác của anh chị em. Cần được quan tâm đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác là mong muốn của tất cả anh chị em phóng viên gắn bó với công tác ở đài truyền thanh - truyền hình cơ sở./.
Bài, ảnh: Nghĩa Hà