Trước yêu cầu đặt ra, năm 2013, ngành NN&PTNT tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và sức cạnh trạnh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến. Trong đó, việc xác định đảm bảo an ninh lương thực; ổn định và phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển rau hoa xứ lạnh và nuôi cá hồ chứa; chăn nuôi trâu, bò theo hướng trang trại, bán công nghiệp và công nghiệp… được đặt ra một cách cụ thể. Đồng thời, toàn bộ biện tích rừng được kiểm kê, lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác theo hướng bền vững; thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới…
 |
Chăm sóc lúa đông-xuân
|
Theo Sở NN&PTNT, để thực hiện các mục tiêu này, toàn tỉnh phấn đấu sản xuất 22.800 ha lúa, 7.700 ha ngô, 1.900 ha mía, 28.800 ha sắn, 12.952 ha cà phê, 74.066 ha cao su; phát triển đàn trâu 25.000 con, đàn bò 80.000 con, đàn lợn 150.000 con. Sản lượng lương thực dự thu 112.100 tấn (riêng thóc 84.000 tấn), 93.100 tấn mía, 442.190 tấn sắn, 25.570 tấn cà phê, 32.570 tấn cao su. Về lâm nghiệp, thực hiện giao khoán 221.736 ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 8.676 ha rừng và trồng 2.180 ha rừng tập trung. Về thủy sản, mở rộng diện tích ao, hồ nuôi thủy sản (chủ yếu là cá) ở: 610 ha ao, hồ nhỏ và 1.100 ha hồ có mặt nước lớn…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu và các chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm 2013, ngành NN&PTNT đã chủ động triển khai nhiệm vụ và các giải pháp như: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết (đất, giống, phân, nước tưới) phục vụ tốt cho sản xuất, đặc biệt là xây dựng và triển khai phương án phòng chống hạn cho vụ đông-xuân, bão lũ cho vụ mùa. Tiếp tục mở rộng phát triển cây hàng hóa, các sản phẩm chủ lực theo quy hoạch, đề án; chuyển đổi diện tích lúa rẫy, trồng sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có hiệu quả hơn như cây cao su (trên cơ sở thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền), mở rộng diện tích cây cà phê chè và thu hút đầu tư phát triển các loại rau, hoa xứ lạnh. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nghiên cứu bổ sung cơ cấu tập đoàn giống lúa nước phù hợp với điều kiện địa phương; hướng dẫn các biện pháp thâm canh cây trồng để tăng năng suất; chủ động phòng trừ sâu bệnh hai trên cây trồng và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Xây dựng và hoàn thành Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Kon Tum đến năm 2020; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư thực hiện các hạng mục lâm sinh như: khoán quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, nhất là trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến bột giấy và giấy Tân Mai-Kon Tum; xây dựng phương án khoán báo vệ rừng ổn định, lâu dài theo Đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; tham mưu xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững đối với các công ty lâm nghiệp theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn phá rừng và chống người thi hành công vụ; thực hiện phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015. Chỉ đạo các đơn vị hoàn thành việc rà soát, bóc tách diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm trong lâm phần các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để đề xuất phương án quản lý theo quy định của pháp luật; thực hiện việc giao đất, cho thê đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý, sử dụng, đảm bảo rừng có chủ; giao trách nhiệm cụ thể về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền địa phương các cấp và chủ rừng theo đúng quy định. Tham mưu cho UBND tỉnh phương án sắp xếp lại các Công ty TNHHMTV lâm nghiệp ở các huyện theo tinh thần của Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 17/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
Trên lĩnh vực thủy sản, tăng cường theo dõi, chỉ đạo nuôi trồng, khai thác và phòng chống dịch bệnh; triển khai tốt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản Kon Tum tổ chức sản xuất hiệu quả giống thủy sản nước ngọt; hoàn thành rà soát, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 để phát triển nuôi cá nước lạnh; đề xuất UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét hoàn thành chính sách phát triển nuôi cá nước lạnh trên địa bàn huyện Kon Plông và các huyện thuộc vùng Đông Trường sơn.
Trên lĩnh vực thủy lợi, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và phòng chống lũ bão phối hợp với Ban quản lý-khai thác công trình thủy lợi, phòng NN&PTNT ở các huyện, Phòng Kinh tế thành phố kiểm tra các công trình thủy lợi để có kế hoạch tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi, bảo đảm nước phục vụ sản xuất. Tổ chức quản lý, khai thác tốt các công trình thủy lợi kết hợp với việc khai hoang xây dựng đồng ruộng, mở rộng diện tích lúa nước. Huy động các nguồn lực đầu tư xây mới các công trình thủy lợi đã được quy hoạch; đồng thời hỗ trợ vật tư để nhóm hộ, hợp tác xã xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất… nhằm nâng cao diện tích lúa 2 vụ.
Trên lĩnh vực nông thôn, ưu tiên công tác đầu tư, hỗ trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các dự án vùng thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND huyện Sa Thầy, các đơn vị trồng cao su và các ban, ngành liên quan trong công tác hướng dẫn bố trí, sắp xếp dân cư, tuyển dụng lao động trồng cao su và xác định vị trí, địa điểm quy hoạch bố trí dân cư trên địa bàn nam Sa Thầy. Chủ động lồng ghép các nguồn lực và phát huy nội lực từ nhân dân để xây dựng nông thôn mới theo phương châm Nhà nước và nhân cùng làm, trong đó ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tôn tạo, bảo vệ cảnh quan môi trường... Huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm tăng tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt và công trình vệ sinh môi trường nông thôn...
Bài và ảnh: Văn Nhiên