
Công ty cổ phần Tấn Phát được chuyển đổi từ công ty TNHH Trung Đông do ông Nguyễn Ngọc Tưởng và Nguyễn Ngọc Minh thành lập với vốn điều lệ ban đầu chỉ 12,5 tỷ đồng. Giai đoạn đầu( từ năm 2000-2005, Công ty Tấn Phát trong giai đoạn đầu (07/03/2000 - 25/10/2005) chủ yếu tập trung đầu từ vào lĩnh vực chế biến gỗ và xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Sau 10 năm thành lập, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 12,5 tỷ đồng đến nay lên 120 tỷ đồng với 130 cổ đông tham gia góp vốn; lĩnh vực kinh doanh được mở rộng với nhiều ngành nghề như thi công xây dựng công trình cầu đường, thủy lợi, cơ điện, kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu nông, lâm sản, thực hiện đầu tư nhà máy thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản…., giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và công ty đang ngày càng lớn mạnh. Mục tiêu của công ty là phấn đấu trở thành một tập đoàn mạnh hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh thuỷ điện và kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu, đầu tư khai thác chế biến khoáng sản, với chiến lược kinh doanh của công ty tập trung vào kinh doanh thuỷ điện với tổng quy mô dự kiến trên 200MW, và xây dựng kinh doanh các nhà máy sản xuất cồn sinh học, đầu tư bất động sản với mục đích đưa Công ty Tấn Phát trở thành một tập đoàn lớn mạnh trong trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại xã Đăk Tờ Lùng( huyện Kon Rẫy), Công ty Tấn Phát đã long trọng tổ chức khánh thành Nhà máy thủy điện Đăk Ne và chuẩn bị vận hành. Công trình Nhà máy thủy điện ĐắkNe được khởi công từ cuối năm 2007, tại Đăk Tơ Lùng, Huyện Kon Rẫy với tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, trong đó, Ngân hàng ABBANK tài trợ số vốn trên 170 tỷ đồng. Đăk Ne là nhà máy thủy điện đầu tiên của Tây Nguyên nói chung, tỉnh ta nói riêng triển khai thành công dự án CDM (CDM là các dự án triển khai theo cơ chế phát triển sạch, theo hiệp định thư Kyoto chống biến đổi khí hậu) và được nhận chứng chỉ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính.. Khi vận hành, công trình sẽ đạt công suất 8,1 MW, sản lượng điện đạt 60 triệu Kwh/năm. Thủy điện Đăkne sau khi được vận hành và hòa vào mạng lưới điện quốc gia sẽ góp phần phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện tại địa phương và san sẻ sức ép thiếu điện của EVN.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm và khánh thành Nhà máy thủy điện Đăk Ne, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Quang Vinh đã chúc mừng sự phát triển của Công ty trong 10 năm qua, đồng thời hoan nghênh Công ty đã có nhiều cố gắng trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành nhà máy thủy điện Đăk Ne, khi đưa vào vận hành sẽ góp phần tăng sản lượng điện cho hệ thống điện quốc gia và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, đóng cho Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đồng chí cũng nhấn mạnh, khi Nhà máy đưa vào vận hành, Công ty cần quan tâm và thực hiện tốt việc: Hỗ trợ việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; có quan hệ tốt với chính quyền địa phương và nhân dân nơi nhà máy thủy điện đóng chân; phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, phát sinh trong công tác bồ thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cuả doanh nghiệp đối với nhà nước, tham gia tích cực công tác an sinh xã hội trên địa bàn; vận hành hồ chứa, đảm bảo việc xả lũ, điều tiết nước theo đúng quy định...
Nhân dịp này, Công ty Tấn Phát đã trao tặng cho xã Đăk Tờ Lùng 50 triệu đồng.
Tin, ảnh: Văn Phương