
Khu dân cư thưa thớt, điạ bàn rộng là một vấn đề khó
trong công tác lập quy hoạch.
Trong các bước triển khai xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới thì công tác quy hoạch có vai trò đi “ tiên phong”, tạo tiền đề cho đầu tư xây dựng theo từng phân khu, từng vùng và tạo bộ mặt mới toàn diện của vùng nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta hiện nay, công tác quy hoạch vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở NN và PTNT tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện công tác lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; Sở Xây dựng hướng dẫn thực hiện lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới ; đồng thời, phân bổ kinh phí từ nguồn vốn có mục tiêu quy hoạch để các địa phương tiên hành xây dựng đồ án quy hoạch.
Cho đến nay, 9/9 huyện, thành phố đã và đang tiến hành các bước triển khai lập đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho tất cả các xã trong tỉnh, trong đó ưu tiên cho 22 xã chọn làm điểm. Đến nay, một số xã đã xây dựng xong đồ án và đang trình thẩm định, phê duyệt như xã Hà Mòn, Đak Mar( huyện Đăk Hà); xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Lùng( huyện Kon Rẫy). Tuy nhiên, nhìn chung việc tổ chức thực hiện còn chậm so với kế hoạch. Qua kiểm tra, phần lớn công tác quy hoạch mới chỉ dừng lại hoàn thành đề cương nhiệm vụ quy hoạch và khảo sát, đánh giá thực trạng…
Điều đáng nói là việc đánh giá hiện trạng xây dựng nông thôn mới, công tác lập đồ án quy hoạch ở một số địa phương chưa thực hiện bảo đảm đúng trình tự như hướng dẫn, do vậy việc đánh giá thực trạng, xây dựng dự thảo đồ án chưa sát với thực tế. Một số huyện chưa tiến hành phân cấp, giao nhiệm vụ cho xã để trực tiếp tổ chức lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng mà giao cho các phòng bàn của huyện thực hiện như huyện Kon Plông, Kon Rẫy, dẫn đến tình trạng lúng túng, bị động của chính quyền xã…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai lập đồ án quy hoạch chậm là do chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. Theo ông Phan Thanh Quang- Trưởng phòng quản lý Kiến trúc và Quy hoạch( Sở Xây dựng), qua kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hầu hết các địa phương chưa xác định trách nhiệm của mình là chính mà còn trông chờ, ỷ lại đơn vị tư vấn. Một số địa phương giao cho các phòng ban chuyên môn của huyện tổ chức lập quy hoạch, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, dẫn đến phải điều chỉnh đầu tư, làm chậm tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, một số xã đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch nhưng chưa bảo đảm đúng theo quy định về nội dung, trình tự, chưa lấy ý kiến của nhân dân về nội dung nhiệm vụ quy hoạch, cũng chưa được HĐND xã thông qua bằng Nghị quyết theo hướng dẫn của Sở.
Cũng theo ông Phan Thanh Quang, nhiệm vụ chính trong chương trình xây dựng nông thôn mới là của cơ sở. Ngay như công tác lập quy hoạch cũng phải thực hiện trên cơ sở đánh giá thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng của người dân tại chỗ, từ đó, các đơn vị tư vấn giúp xã hoàn chỉnh thành đồ án quy hoạch chung và dựa trên thực tế để lập quy hoạch chi tiết, phân từng khu chức năng. Quy hoạch nông thôn mới là loại quy hoạch tổng thể, lồng ghép của 3 loại quy hoạch gồm quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất, hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc…
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến hết tháng 6/2011 phải hoàn thành công tác lập quy hoạch chung tại 22 xã điểm và trong năm 2011 hoàn thành toàn bộ 59 xã còn lại. Đây thực sự là một nhiệm vụ nặng nề bởi khối lượng công việc và sự thúc ép về thời gian. Trên thực tế, theo đánh giá của Sở Xây dựng, hiện tại hầu hết các xã điểm mới đang tiến hành khâu đáng giá hiện trạng, lập đề cương cho công tác lập quy hoạch; thậm chí có xã còn chưa đánh giá xong hiện trạng thực tế. Ngay như xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) - một trong những xã được chọn làm điểm của tỉnh, có điều kiện thuận lợi hơn nhiều xã khác- nhưng đến nay vẫn chưa lập xong quy hoạch chung…Như vậy, dù có lạc quan đến mấy vẫn phải nghi ngại về việc các xã hoàn thành công tác quy hoạch đúng thời hạn…
“ Vấn đề quan trọng nhất trong quá trình lập quy hoạch nông thôn mới là người dân phải được tham gia ngay từ đầu; cán bộ xã, thôn, làng phải chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi nhận thức và trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Huy động sự vào cuộc của nhân dân để đẩy nhanh công tác lập quy hoạch chung, để làm căn cứ từng bước lập quy hoạch chi tiết, xây dựng từng khu chức năng như khu trung tâm xã, các điểm dân cư, các công trình hạ tầng (chợ, giao thông, thủy lợi…) khu sản xuất cũng như triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương...”- Ông Phan Thanh Quang nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Văn Phương