Thứ 4, Ngày 28/05/2025 -

Giới trẻ ngày càng “mặn mà” với hàng nội
Ngày đăng: 26/09/2011  03:24
Mặc định Cỡ chữ
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, trong thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào “Thanh niên đồng hành cùng hàng Việt”.

 

Theo đó, các cấp bộ đoàn đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền để ĐVTN hiểu được ý nghĩa của cuộc vận động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tự tôn dân tộc, tích cực sử dụng hàng nội. Bằng nhiều hình thức phong phú như lồng ghép trong buổi sinh hoạt đoàn, qua chiến dịch tình nguyện hè, qua bản tin thanh niên…đã kêu gọi thế hệ trẻ thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những hành động nhỏ nhất như mua hàng Việt. Nhờ đó, nhận thức trong việc sử dụng hàng hóa của ĐVTN đang từng bước thay đổi hướng tới các mặt hàng trong nước.
 
 
Giới trẻ ngày càng tích cực sử dụng hàng Việt.
 
Thực tế cho thấy, đại bộ phận người tiêu dùng tỉnh ta, trong đó có giới trẻ, nhất là các lớp ĐVTN sống ở nông thôn, vùng khó khăn thu nhập còn thấp nên việc mua sắm hàng hóa cũng bị đắn đo cân nhắc về giá cả. Những sản phẩm giá rẻ, tiện dụng, hợp thời trang luôn là những ưu tiên lựa chọn số 1 của các thượng đế, trong khi đó các mặt hàng mang nhãn hiệu Trung Quốc đã đáp ứng đúng tâm lý, thị hiếu nên trước đây đã chiếm được lòng tin của nhiều khách hàng trong đó ĐVTN. Nhưng đến nay, thói quen sử dụng những sản phẩm ngoại rẻ tiền đã và đang được thay thế dần bằng việc sử dụng hàng hóa mang nhãn hiệu “made in Vietnam”, nhất là những hàng hóa có chất lượng cao.
 
Anh Toán (xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) cho biết: Trước đây mua hàng tôi thường ít để ý đến nhãn mác của sản phẩm mà chỉ thấy ưng là mua, nhiều khi mua phải hàng Trung Quốc, mặc dù giá cả thấp hơn, mẫu mã cũng đẹp nhưng khi sử dụng lại mau hư. Bây giờ mỗi khi mua hàng, tôi luôn để ý mua đúng hàng Việt vì giá cả hợp lý lại đảm bảo chất lượng, phù hợp với yêu cầu sử dụng.
 
Còn chị Thùy (ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) thì nhận xét: Trước đây, mỗi lần mua sắm quần áo, giày dép tôi thường lựa chọn những mặt hàng của Trung Quốc bởi đơn giản là giá cả phải chăng mà lại phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, hình thức bắt mắt, hợp thời trang. Nhưng thời gian gần đây, tôi được nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng kêu gọi mọi người dùng hàng Việt, tôi cũng đã thay đổi thói quen mua sắm, tìm đến các sản phẩm trong nước, vả lại tôi thấy ngay cả người bán hàng họ cũng ít bán hàng Trung Quốc như trước mà thay vào đó họ bán và giới thiệu về các sản phẩm trong nước rất nhiều. Tôi thấy, hàng nội cũng không đắt hơn hàng Trung Quốc là bao mà chất lượng lại tốt hơn hẳn, mẫu mã cũng phong phú, đa dạng, phù hợp cho mọi lứa tuổi.
 
Các sản phẩm hàng hóa mà giới trẻ sử dụng nhiều nhất là quần áo, giày dép, một số đồ dùng cá nhân khác như: túi xách, ba lô…Hiện nay, trên thị trường thời trang Việt có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng dành cho giới trẻ như dệt may Vinatex, Nhà Bè, Việt Tiến, Phương Trinh…Giá cả cũng tương đối phù hợp, dao động từ 150 - 300.000 đồng/sản phẩm.
 
Cùng với quần áo thì giày dép cũng là mặt hàng ngày càng chiếm lĩnh được lòng tin và sựu ưu ái của thượng đế trẻ. Những thương hiệu như: Gia Bảo, Thảo Trang, Tuấn, Bitis…đã trở thành những thương hiệu quen thuộc trong việc lựa chọn giày dép của thanh niên. Bên cạnh đó, những loại sản phẩm khác như túi xách, ba lô, dây lưng, mỹ phẩm…cũng phù hợp với tâm lý, thị hiếu, nhu cầu của khách hàng. Do đó, việc giới trẻ ngày càng tích cực đón nhận hàng Việt là một điều dễ nhận thấy.
 
Tuy nhiên, cái hạn chế là hiện nay, ở thành phố Kon Tum hay những vùng thuận lợi thì việc mua sắm các sản phẩm nội chất lượng cao, đẹp tương đối dễ dàng. Nhưng ở những vùng khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, việc đưa hàng hóa về nông thông chưa thực sự được các doanh nghiệp, nhà phân phối chú trọng;  hoặc nếu có thì cũng là những hàng hóa kém chất lượng hơn nên thanh niên nông thôn không có nhiều lựa chọn. Trong khi đó hàng hóa Trung Quốc lại tràn lan nên việc họ lựa chọn các sản phẩm này là lẽ dì nhiên. Thiết nghĩ, để thanh niên nông thôn “mặn mà” với hàng Việt thì trước hết các doanh nghiệp, nhà phân phối phải “mặn mà” với việc đưa hàng Việt về nông thôn, tạo điều kiện để thanh niên nông thôn có cơ hội lựa chọn hàng Việt.
 
Vỹ Dạ