Thứ 4, Ngày 30/04/2025 -

Phụ nữ khởi nghiệp với các sản phẩm OCOP
Ngày đăng: 29/10/2021  22:43
Mặc định Cỡ chữ
Sau 4 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTCP của Thủ tướng Chính phủ, hội viên, phụ nữ tỉnh Kon Tum đã phát huy khả năng sáng tạo, với các ý tưởng khởi nghiệp về phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương - sản phẩm OCOP.
Phụ nữ xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei trồng sâm dây

 

Thực tế, sau 4 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” đã có 10 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ Kon Tum đạt giải Cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức; các cấp Hội trong tỉnh kết nối, hiện thực hóa 30 ý tưởng khởi nghiệp; các hội viên, phụ nữ trực tiếp tham gia xây dựng 34 sản phẩm OCOP của tỉnh; từ các phong trào, mô hình đã có 167 hội viên, phụ nữ làm kinh tế giỏi. 

 

Thực hiện Đề án, chị em phụ nữ đã chọn khởi nghiệp bằng nhiều sản phẩm đa dạng như: phát triển các sản phẩm ẩm thực truyền thống (thịt heo gác bếp, rượu ghè men lá...), hay bằng các sản phẩm đặc trưng trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương như sâm dây, đương quy…Đồng thời linh động, sáng tạo chế biến dược liệu thành các sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trong và ngoài tỉnh.

 

Chị Phạm Thị Mây, thôn Đăk Xanh, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei cho biết: Sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Glei là sâm dây, nhưng hồi giờ, chị em mới chỉ dừng lại ở bán sâm tươi hoặc sâm phơi khô. Mình nghĩ phải cần thêm sản phẩm từ loại dược liệu này. Trăn trở một thời gian khá dài, mình đã nghiên cứu và làm ra sản phẩm mứt sâm dây được nhiều khách hàng ủng hộ. Mặc dù làm khá vất vả nhưng thực khách yêu thích món mứt này lắm, nhất là vào dịp Tết.

 

Chị em phụ nữ HTX Dục Nông chế biến rượu ghè men lá

 

Còn tại huyện Ngọc Hồi, ngay sau khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Hội LHPN xã Đăk Dục đã nhanh chóng đăng ký ý tưởng khởi nghiệp, phát triển sản phẩm ẩm thực truyền thống của địa phương là thịt heo gác bếp và rượu ghè men lá.

 

Chị Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết: Tôi muốn giữ gìn lại món ăn truyền thống của người Giẻ -Triêng; đồng thời, muốn tìm đầu ra cho các sản phẩm do chị em làm ra. Do đó, tôi đã lựa chọn 2  sản phẩm thịt heo gác bếp và rượu ghè men lá để tham gia chuỗi sản phẩm OCOP của địa phương. Trong quá trình tham gia, chúng tôi nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội LHPN tỉnh, Trung ương đã hỗ trợ vốn, hỗ trợ làm thủ tục hồ sơ, hỗ trợ các mô hình chăn nuôi heo - là nguồn nguyên liệu cho chị em.

 

Nhờ đó, các mô hình sinh kế chăn nuôi heo do Hội LHPN các cấp hỗ trợ trước đó cho các chị em hội viên đã có được nguồn đầu ra ổn định. Đồng thời xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất cùng với các hộ gia đình chăn nuôi heo trên địa bàn toàn xã, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm OCOP của địa phương cũng như tạo thêm thu nhập cho chị em hội viên.

 

Chị Y Nga - Thôn Chả Nhầy, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi tâm sự: Khi tham gia phát triển sản phẩm OCOP, tôi thấy mang lại rất nhiều lợi ích. Đặc biệt là khi tham gia mô hình Tổ liên kết nuôi heo đen đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập và còn biết cách chi tiêu tính toán hợp lý. Các sản phẩm của gia đình làm ra dễ dàng tiêu thụ hơn ra ngoài thị trường và giúp cho kinh tế của gia đình phát triển và ổn định hơn.

 

Năm 2019, UBND xã Đăk Dục đã hỗ trợ, hướng dẫn Hội LHPN xã thành lập HTX Dục Nông với 7 thành viên tham gia và liên kết với hàng chục chị em hội viên trong Tổ liên kết chăn nuôi heo, trồng lúa, gạo nếp than trên toàn xã để cung ứng sản phẩm. Đến nay, cùng với sự cố gắng của cả tập thể, sản phẩm thịt heo gác bếp và rượu ghè men lá đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

 

Có thể nói, trong thời gian qua, hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh đã không ngừng tích cực tham gia lao động sản xuất, mạnh dạn phát triển kinh tế gắn với các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đó góp phần cùng với các cấp ngành, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng.

 

Trao giải cho hội viên phụ nữ đạt giải trong Cuộc thi

Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp năm 2021 do Hội LHPN tỉnh tổ chức

và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức

 

Chị Y Phương - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.000 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Đặc biệt, là có sự tham gia của chị em phụ nữ ĐBDTTS ở vùng sâu, vùng xa. Tới thời điểm hiện tại đã có 30 ý tưởng được hiện thực hóa và được hỗ trợ 3,8 tỷ đồng. Trong những năm qua, thông qua hoạt động khởi nghiệp, đã có 60 Tổ liên kết, Tổ hợp tác, HTX được thành lập với nguồn vốn hỗ trợ 38 tỷ đồng.

 

“Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về khởi nghiệp; hỗ trợ các dự án và các ý tưởng của phụ nữ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Dự kiến hỗ trợ 200 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của 10 HTX và 50 Tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Vận động các tổ chức, cá nhân huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án; chú trọng phát hiện bồi dưỡng những cá nhân điển hình tiên tiến, cách làm hay để nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh” - Chị Y Phương thông tin thêm.

 

Chiếm hơn 48% lực lượng lao động xã hội của toàn tỉnh nên Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đã tạo thêm động lực cho chị em hội viên phụ nữ phát huy vai trò, khả năng trong phát triển kinh tế, từ đó càng khẳng định hơn địa vị, vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội./.

 

Dương Nương