Chủ nhật, Ngày 11/05/2025 -

Bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng lúa vụ mùa phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh
Ngày đăng: 02/05/2018  16:15
Mặc định Cỡ chữ
Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân tập trung sử dụng giống lúa xác nhận đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho phép sản xuất kinh doanh, phù hợp với điều kiện các tiểu vùng sinh thái của tỉnh; có nguồn cung ứng giống lúa chủ động; có năng suất, phẩm chất cao, cứng cây chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt để gieo cấy trong vụ mùa này.

 

Bà con nông dân làm đất chuẩn bị xuống giống lúa vụ mùa 2018

Những vùng có nguy cơ thiếu nước tưới hoặc nguy cơ ngập úng vào cuối vụ nên bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cực ngắn ngày (dưới 90 ngày trở lại). Đối với những vùng chủ động có đủ nước tưới nên bố trí sản xuất những giống có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày, giống lúa thuần, lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh.

Trên cơ sở cơ cấu giống lúa chung của tỉnh, các huyện, thành phố tùy theo điều kiện cụ thể và thực tiễn sản xuất của địa phương xác định cơ cấu giống lúa cho phù hợp. Ngoài ra, các địa phương có thể bố trí từ 5-10% diện tích sản xuất giống lúa mới, triển vọng và giống đặc thù địa phương để chọn lọc giống phù hợp, đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT bổ sung vào cơ cấu trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, đối vơi giống lúa nước, bà con nên sử dụng giống HT1, VND95-20, IR56279, 13/2, SH2, Hương cốm, VD20, KD18, BC15, TBR45, Khang dân 18, Nhị ưu 838; Nghi hương 2308.

Vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Ya Ly, Plei Krông sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như IR56279, VND 95-20.

Các xã vùng Đông Trường Sơn sử dụng những giống lúa chịu lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chịu phèn và chống chịu sâu bệnh như  VND 95-20, IR64, IR56279.

Những vùng thường bị bệnh đạo ôn và nhiễm rầy trong những vụ trước nên chọn những giống kháng bệnh đạo ôn và kháng rầy.

Đối với giống lúa cạn nên sử dụng một số giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn 100-110 ngày, năng suất cao, có khả năng chịu hạn tốt, khả năng phục hồi sau hạn nhanh, chịu thâm canh, có khả năng thích ứng sinh thái rộng, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh thối thân khá, chất lượng và tỷ lệ gạo cao, hạt trong dài như LC93-1, LC93-4, LC227, LC408 và một số giống lúa cạn địa phương như Xà kơn, lúa lốc.

Lúa cạn có thể trồng xen với diện tích cà phê, cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, chưa khép tán hoặc gieo cấy trên chân đất bằng 1 vụ không chủ động nước hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.

Bố trí thời vụ gieo cấy sao cho phù hợp với thời kỳ cây lúa trỗ bông vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 là thích hợp nhất.

Đối với cây lúa nước trồng ở vùng Tây Trường Sơn: Lúa cấy gieo mạ từ ngày 20/5 - 5/6, cấy từ ngày 5 - 20/6; Lúa sạ gieo từ ngày 15/5 - 10/6. Đối với các xã vùng Đông Trường Sơn: Lúa cấy gieo mạ từ ngày 15- 30/5, cấy từ ngày 10 - 30/6; Lúa sạ gieo từ ngày 01- 20/6 tới.

Đối với ruộng lúa 1 vụ đủ nước tới đâu gieo cấy đến đó, nên gieo sớm và tập trung dứt điểm trước ngày 30/6.

Lúa cạn khung thời gian gieo sạ từ ngày 10 - 25/5, khi đất đủ ẩm và số lần mưa tương đối đều.

Tin, ảnh: Dương Nương