Thứ 5, Ngày 08/05/2025 -

Hiệu quả từ phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Ngày đăng: 08/05/2025  10:38
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các ngành, địa phương trong tỉnh huy động nguồn lực, chung tay thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đem lại những hiệu quả thiết thực.

 

Khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết tại xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum

 

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng chính phủ phát động, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ, trở thành một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc.

 

Trong 05 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” đã vận động trên 58,9 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.067 căn nhà đại đoàn kết; trao tặng 35.820 suất quà nhân dịp lễ, tết; hỗ trợ 277 hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất; hỗ trợ 1.671 lượt người khám, chữa bệnh…; Quỹ Cứu trợ tỉnh đã vận động trên 13,3 tỷ đồng, tổ chức cứu trợ, hỗ trợ kịp thời cho đồng bào gặp thiên tai, dịch bệnh, sự cố khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện được cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, trong 05 năm qua đã huy động được 104,9 tỷ đồng để chăm lo lễ, tết cho các hộ nghèo, cận nghèo, và các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách… trên địa bàn tỉnh.

 

Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 6.557 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,31% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh). Trong đó, có 6.176 hộ nghèo dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 94% so với tổng số hộ nghèo). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,91%/năm, đạt 111,64% so với kế hoạch giao.

 

Nhằm giúp các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, tỉnh đã chủ động, tích cực kết nối, vận động các nguồn lực để triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, hội nhập; tăng cường kết nối, liên kết, phát huy nội lực của hội viên, phụ nữ, tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Thành lập mới và duy trì hoạt động của 184 tổ liên kết/tổ hợp tác và 07 HTX về sản xuất, chế biến và kinh doanh liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ; vận động hơn 1.000 lượt hội viên phụ nữ học nghề và tham gia thành viên các mô hình nghề truyền thống; phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ máy móc, trang thiết bị và xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm (Trang Web, Logo  nhãn mác, mẫu mã bao bì, truy suất nguồn ngốc) cho 23 sản phẩm khởi nghiệp, với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng cho các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ quản lý.

 

Người dân huyện Sa Thầy trồng cây sầu riêng để thoát nghèo

 

Để đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, hàng năm bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về, cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Giai đoạn 2021-2025, doanh số cho vay đạt 6.195 tỷ đồng, với 127.490 lượt hộ vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hộ cận nghèo...

 

Toàn tỉnh đang thực hiện 300 mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất có gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu của từng địa phương, có 5.064 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn... tham gia các dự án, mô hình theo quy định. Đa số các địa phương đều triển khai thực hiện dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Một số mô hình có hiệu quả như mô hình chăn nuôi bò sinh sản, trồng và tiêu thụ mắc ca, các loại cây dược liệu (hồng đảng sâm, sâm ngọc linh) đã góp phần tạo sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

 

Đã tổ chức tập huấn dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi; phát triển cây ăn quả; phát triển cây ăn quả... cho 268 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định); người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Đã tổ chức đào tạo nghề cho 4.807 lao động nông thôn; 2.167 người được cung cấp thông tin về việc làm tại các phiên giao dịch; hỗ trợ nhà ở cho 701 hộ nghèo, cận nghèo (xây dựng mới là 490 hộ và sửa chữa là 211 hộ).

 

Tổ chức 21 lớp nâng cao năng lực cho 542 cán bộ y tế các cấp về triển khai thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng”; hỗ trợ kỹ thuật triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 26 Trạm Y tế xã; cung cấp đa vi chất dinh dưỡng cho 5.722 trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi; tư vấn, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại 22 xã có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao.

 

Có những kết quả trên là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh đã đề ra chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả và sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cấp ủy chính quyền và các tổ chức xã hội, phong trào đã tạo ra động lực mạnh mẽ. Phong trào đã mang lại nhiều kết quả tích cực, với tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nhiều mô hình sinh kế đã được phát triển, giúp hàng nghìn hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Phong trào thi đua đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; tạo cho người nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.

 

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; chú trọng việc phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua, giới thiệu, tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến tiêu biểu tạo sức lan tỏa và nêu gương trong Nhân dân, cộng đồng, xã hội về thực hiện công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể các cấp và quần chúng Nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa của Phong trào; khuyến khích phát huy mạnh mẽ nội lực trong Nhân dân, huy động sự đóng góp tích cực của toàn xã hội vào công cuộc giảm nghèo./.

 

Lê Hằng