Thứ sáu, Ngày 23/05/2025 -

Học tập và làm theo gương Bác: Tấm gương rèn luyện sức khỏe của Bác Hồ
Ngày đăng: 29/10/2013  07:57
Mặc định Cỡ chữ

Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước. Tuy nhiên, muôn vàn khó khăn ập đến với nước cộng hòa non trẻ: Hậu quả nạn đói từ giáp hạt tháng 3, kéo theo vô vàn bệnh tật làm suy kiệt sức sống dân tộc. Bên cạnh việc ký Sắc lệnh diệt giặc đói, giặc dốt,  Hồ chủ tịch đã ký Sắc lệnh thành lập ngành Y tế và ngành Thể dục Thể thao (TDTT), Nha thể dục TW thuộc Bộ Thanh niên (30/01/1946), đồng thời ra “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” đăng trên báo Cứu Quốc số 199 ngày 27/3/1946. Bác viết “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu. Mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe.Việc rèn luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày tập một ít thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe. Bộ Giáo dục có Nha thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe. Dân cường nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập thể dục”. Từ đó toàn quốc dấy lên phong trào “Khỏe vì nước” - cũng là khởi đầu của nền TDTT Xã hội chủ nghĩa từ đó về sau. Cũng ngày 27/3/1946, Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh số 38 chỉ rõ thiết lập trong Bộ Quốc gia giáo dục một Nha thanh niên và thể dục, trong đó có Phòng thể dục TW, tiền thân của tổ chức TDTT Việt Nam sau này. Ngày 27/3 đã được lấy làm Ngày truyền thống hàng năm của ngành Thể thao Việt Nam.

Bác Hồ tập tạ ở Phủ Chủ Tịch (sau hòa bình 1954)
 
Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc, phong trào TDTT, thi đua rèn luyện sức khỏe vẫn phát triển hết sức mạnh mẽ và sôi nổi. Với Bác, mặc dù kháng chiến gian khổ, ăn uống thiếu thốn, lại thường xuyên phải di chuyển nơi trú đóng để tránh sự truy lùng của địch, nhưng Bác vẫn rất coi trọng rèn luyện sức khỏe. Người thường xuyên dậy sớm tập thể dục, đánh bóng chuyền với các chiến sỹ bảo vệ rồi tắm nước lạnh dưới suối ban mai. Bác còn dạy Thái cực quyền, võ tự vệ cho các chiến sỹ bảo vệ luôn ở bên cạnh Người. Có bận, Người sốt cao, nóng hầm hập, rồi mồ hôi lạnh lại vã ra, nhưng Bác không chịu bỏ thói quen tập thể dục buổi sáng, đến nỗi các bác sỹ chăm sóc sức khỏe cho Bác hết sức lo lắng, phải cùng các chiến sỹ bảo vệ “ép” Bác vào lán nằm, Bác mới chịu vào nghỉ. Nhưng chỉ vài hôm sau, đỡ sốt, Bác lại không bỏ buổi tập nào. 
 
Những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ Tịch vẫn luôn luôn chú trọng rèn luyện sức khỏe, với ý thức “Khỏe để phụng sự cách mạng”.
 
Bác thường nói: Dưới chế độ dân chủ, thể thao và thể dục phải trở thành hoạt động của đông đảo quần chúng rộng khắp, nhằm mục đích làm tăng cường sức khỏe cho nhân dân. “Nhân dân có sức khỏe thì mọi công việc đều làm được tốt. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”.
 
Đối với thanh thiếu niên, Bác dạy: “Thanh niên phải rèn luyện TDTT vì thanh niên là tương lai của đất nước…Phải giữ vững đạo đức cách mạng. Phải xung phong trong mọi công tác. Phải học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi. Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới đủ sức tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”. Đối với học viên các Trường quân đội, Bác căn dặn: “Các cháu phải ra sức thi đua luyện tập thân thể cho mạnh mẽ, nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo, trau dồi tinh thần cho vững chắc, hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng”. Đối với lực lượng vũ trang, Bác chỉ đạo: “Đẩy mạnh phong trào TDTT trong quân đội, làm cho quân đội chúng ta có thể chất khỏe, tinh thần khỏe để làm tròn mọi nhiệm vụ”.
 
Bác huấn thị cho các trường học: “Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”; “Thể dục kết hợp với giữ gìn vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục”;
 
Đầu năm 1960, Hồ Chủ Tịch đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ TDTT toàn Miền Bắc, nhấn mạnh vai trò của sức khỏe đối với công cuộc xây dựng CNXH ở Miền Bắc, hậu phương vững chắc cho Miền Nam.
 
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960) đã chỉ ra phương hướng phát triển nền TDTT XHCN, vừa để đảm bảo nhân lực cho xây dựng CNXH ở Miền Bắc, đồng thời quyết tâm chi viện cho Miền Nam đánh Mỹ và thắng Mỹ với tinh thần “Thóc không thiếu một cân. Quân không thiếu một người”.
 
Về TDTT thành tích cao, Bác rất coi trọng, nhưng quan điểm của Bác là TDTT thành tích cao phải phát triển trên nền tảng TDTT quần chúng. Cuối năm 1966, trong Thư chúc mừng Đại hội thể thao GANEFO châu Á lần thứ nhất tổ chức tại Campuchia, Hồ Chủ Tịch viết “Đây là cuộc gặp gỡ lớn để các lực lượng mới trỗi dậy ở châu Á tỏ rõ cho toàn thế giới thấy khả năng phong phú của mình trong lĩnh vực thể thao”.
 
Hồ Chủ Tịch bơi ở biển Đồ Sơn (Hải phòng) cùng với các chiến sỹ cảnh vệ (ảnh trái); Những dụng cụ
rèn luyện thể dục thể thao của Người (ảnh phải)
 
Khoảng năm 1965, quân Mỹ đẩy mạnh thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, tình hình Miền Nam hết sức căng thẳng. Khi đó bác đã 75 tuổi, mắt đã bắt đầu kém. Bác kiên trì tập luyện bằng cách tập dưỡng sinh Thái cực quyền và ngắm bình minh lên hàng ngày kết hợp điều trị bằng thuốc và sự chăm sóc của các bác sỹ nên mắt Bác đã hồi phục, tinh tường trở lại. Trung tuần tháng 7/1966, Bác viết Lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ với Tuyên ngôn lịch sử Không có gì quý hơn độc lập tự do!.“ Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. 
             
Bác thừa nhận có thói quen xấu là hút thuốc lá, hệ quả của những năm bôn ba hải ngoại khắp trời Âu - Mỹ giá lạnh tìm đường cứu nước và những năm tháng “Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành” do “Sao Vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Còn rượu, với Bác, nhâm nhi chút đỉnh cũng chỉ để “Tĩnh tâm”. Những năm 1965 trở đi, ngoại Thất tuần, sức khỏe Bác bắt đầu có biểu hiện sa sút. Lo lắng cho Bác, các Bác sỹ nghiêm khắc yêu cầu Bác phải bỏ hẳn thuốc lá. Cũng như mọi người, từ bỏ một thói quen đã ăn sâu bén rễ đâu phải việc dễ dàng, nhưng Bác đã quyết tâm cai thuốc lá. Năm 1968, trong bài thơ “Vô đề” bằng chữ Hán, Bác viết “Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm/ Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần/ Mừng thấy Miền Nam luôn thắng lớn/ Một năm là cả bốn mùa Xuân” (Bản dịch của nhà thơ Khương Hữu Dụng) - chứng tỏ Bác đã tuân theo Y lệnh của thầy thuốc.
 
Năm 1967, Bác đề xuất với Bộ Chính trị bố trí cho Bác vào Nam thăm đồng bào ruột thịt. Để chuẩn bị cho ý nguyện đó, Bác lên kế hoạch luyện tập sức khỏe hàng ngày bằng cách đi bộ, tập mang ba lô nặng để có thể vượt Trường Sơn. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, thì mỗi ngày Bác đi bộ 5 - 10 km, có hôm đến 20 km, băng rừng, lội suối, vượt sông, vai mang ba lô nặng 25kg…
 
Nhà thơ Việt Phương, người có nhiều năm gần gũi Bác đã viết trong bài thơ “Muôn vàn tình thương yêu trùm khắp quê hương”: “…Ngoài bảy lăm Bác vẫn thường ném bóng/ Cái gạt tàn thuốc lá đã từ lâu thôi không nóng trên bàn/ Mỗi ban mai Bác luyện chân như ngày xưa tập trèo sườn núi vắng/ Con biết lòng người quyết sống cho Miền Nam…”.
 
Bác Hồ là mẫu mực, tấm gương sáng cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Bác là tấm gương vĩ đại về tư tưởng, đạo đức, nghị lực phi thường của vị lãnh tụ trọn đời vì nước vì dân và tấm gương ngay cả trong những việc rất đời thường, đó là việc rèn luyện sức khỏe để có một tinh thần, trí óc luôn minh mẫn, dù tuổi đã cao. Chính vì vậy, trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người viết “Tôi năm nay vừa 79 tuổi, đã là lớp người Xưa nay hiếm, nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt…”.
 
T.B
(Ảnh trong bài: Tư liệu của Bảo tàng lịch sử VN)