Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ đảng
Ngày đăng: 22/04/2014  07:33
Mặc định Cỡ chữ
Lúc sinh thời Chủ Tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Mỗi đảng viên trước hết tự mình phải thấy rõ mình, để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Hơn nữa, nếu biết tự phê bình tốt thì mới phê bình người khác tốt được. Người nhấn mạnh: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng tự phê bình và phê bình”. Tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ thường xuyên chứ không phải là giải pháp nhất thời, là vũ khí để rèn luyện đảng viên.

 

Sinh hoạt ở cơ sở - Ảnh minh họa
Theo Bác Hồ, phê bình là nêu lên những khuyết điểm của đồng chí khác của tổ chức đảng nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm. Tự phê bình là bản thân tự mình soi rọi mình, tự nghiêm khắc, thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau là phương pháp giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự bản thân kiểm điểm lại xem cái làm được và cái chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm. Vì vậy, tự phê bình và phê bình góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng, củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sáng tạo của mọi cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng nghị quyết và lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết của đảng bộ, chi bộ và nhiệm vụ của cơ quan, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
 
Theo đó, tự phê bình và phê bình nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí yêu thương nhau”, phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”; không vì phê bình mà công kích, áp đặt khuyết điểm cho nhau. Khi phê bình người khác không được xoi mói “bớ lông, tìm vết” để tìm cơ hội “hạ bệ” lẫn nhau; “tránh công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”. Thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt. Nghĩa là phê bình ngay những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, không để chúng tích tụ lại, trầm trọng thêm. Điều quan trọng hơn nữa là tự phê bình và phê bình kịp thời sẽ uốn nắn ngay những lệch lạc, ngăn chặn không để chúng tái diễn ở cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng khác, không đợi đến khi sai lầm khuyết điểm đã rõ ràng, có bằng chứng pháp lý mới tiến hành tự phê bình và phê bình.
Tuy nhiên, trong thực tế tự phê và phê bình là vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi của từng cá nhân và tổ chức đảng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, bởi tâm lí của con người thích được khen hơn là bị chê trách. Do đó, họ cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình; trong phê bình, còn  có tư tưởng cấp dưới không dám phê bình cấp trên, người ít tuổi không dám phê bình người nhiều tuổi đó là yếu tố tâm lý đã ăn sâu và mang tính phổ biến trong mỗi con người, cán bộ, đảng viên, công chức. Bởi vậy, đấu tranh tự phê bình và phê bình là việc rất khó, nhưng không phải không làm được. Di huấn của Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ.Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người” (Hồ Chí Minh toàn tập. NXBCTQG. Hà Nội 2002, tập 5, tr. 232).
 
Trong những năm qua, tự phê bình và phê bình của chi bộ, cán bộ, đảng viên, công chức đã có những chuyển biến tích cực, công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc, thẳng thắn, chân tình, nhất là qua kiểm điểm tập thể và cá nhân đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đã góp phần củng cố đạo đức, phẩm chất, tư cách người đảng viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Thiết nghĩ, để nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên đối với việc tự phê bình và phê bình, trước hết cần chú trọng công tác giáo dục, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp  ủy, của từng cán bộ đảng viên trong tự phê bình, phê bình. Để tự phê bình và phê bình có hiệu quả, trước hết phải tạo được chuyển biến trong nhận thức, động cơ, thái độ, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trước vấn đề có tính quy luật trong xây dựng Đảng, phải coi tự phê bình và phê bình là công việc hàng ngày của Đảng. Như vậy, để thực hiện tốt tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trước hết đòi hỏi cấp ủy, chi bộ phải làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, tư tưởng cho mỗi cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình; xây dựng động cơ, thái độ, tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, trung thực, khách quan, thẳng thắn, chân thành, công tâm trong tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh khắc phục thái độ "dĩ hòa vi quý", hữu khuynh né tránh “im lặng là vàng”, hoặc tô hồng thành tích, bao che, dấu giếm khuyết điểm và mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng trong tự phê bình và phê bình.
 
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đòi hỏi cán bộ chủ chốt phải nêu gương về tự phê bình và phê bình; phát huy vai trò của cấp ủy và tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị trong tự phê bình và phê bình. Thực tiễn đã cho thấy, khi cấp trên thực sự có thái độ chân thành, cầu thị trong tự phê bình và tiếp thu phê bình, dám thắng thắn, nghiêm khắc tự phê bình bản thân, dũng cảm nói thẳng, nói thật, tự phân tích những ưu điểm cũng như những hạn chế, khuyết điểm của mình, không định kiến, trù dập người phê bình và có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, ân cần với cấp dưới khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để cùng tiến bộ thì cấp dưới mới có thể dám mạnh dạn, thẳng thắn phê bình cấp trên, phê bình đồng chí, đồng nghiệp và tự phê bình bản thân. Ngược lại, nếu thực hiện công tác này không tốt sẽ dẫn đến tình trạng "dĩ hòa vi quý", bao che, né tránh khuyết điểm, biết đúng không bảo vệ, biết sai không đấu tranh.
 
Để cho việc phê bình đạt hiệu quả trước hết phải mở rộng dân chủ nội bộ, cần bảo vệ và khuyến khích quần chúng, cán bộ, đảng viên trung thực, dũng cảm, dám nói thẳng, nói thật trong tự phê bình và phê bình. Đây là cơ sở, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho tự phê bình, phê bình đạt hiệu quả. Tự phê bình và phê bình chỉ được tiến hành thực sự có hiệu qủa khi đề cao và mở rộng dân chủ, đồng thời cần bảo vệ và khuyến khích quần chúng, cán bộ, đảng viên dũng cảm, trung thực dám nói thẳng, nói thật trong phê bình góp ý cho lãnh đạo, cho đồng chí, đồng nghiệp. Khi dân chủ nội bộ không được phát huy, những người thẳng thắn, trung thực, dũng cảm trong phê bình bị cô lập, ức hiếp, trù dập thì hoạt động tự phê bình và phê bình dù có tiến hành cũng chỉ là hình thức, không đem lại hiệu quả. Mặt khác, phải từng bước đổi mới phương pháp phê bình. Tự phê bình, phê bình đòi hỏi phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, cần phải tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, khâu then chốt trong xây dựng Đảng đó là: chính trị, tư tưởng, tổ chức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của cấp ủy và người đứng đầu; quá trình tu dưỡng, rèn luyện cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của mỗi đảng viên. Bên cạnh đó, trong tự phê bình và phê bình phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, thẳng thắn, có lý, có tình, cổ vũ, phát huy ưu điểm và khắc phục sửa chữa khuyết điểm; phải tôn trọng sự thật và lẽ phải, thành thật với mình, thành thật với người, đó chính là nhân cách, là hành vi cao thượng, là trách nhiệm của tổ chức đảng nói chung và đội ngũ cán bô, đảng viên nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Tự phê bình, phê bình phải dựa vào Cương lĩnh chính trị, Điều lệ và các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước mà thực hiện tự phê và phê bình. Kiên quyết và lên án thái độ che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, nể nang hoặc quy chụp, đàn áp, cô lập, trả thù người phê bình cũng như lợi dụng tự phê bình và phê bình để đả kích, nói xấu lẫn nhau, đồng thời phải nhìn nhận ưu, khuyết điểm một cách toàn diện, tránh phiến diện, thiên lệch. Trong tự phê bình và phê bình cần chú ý đến đặc điểm, trình độ của cán bộ, đảng viên. Lựa chọn thời điểm phê bình để chọn phương pháp cho phù hợp, đem lại hiệu quả. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng. Công khai hóa mọi chủ trương có liên quan đến quần chúng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Cấp ủy phải xác định nội dung cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tế để quần chúng góp ý phê bình cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, như: quần chúng xem xét đánh giá cán bộ, đảng viên qua việc quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, năng lực tổ chức thực hiện và hiệu quả đem lại; về tinh thần, ý thức trách nhiệm với công việc, ý thức tổ chức kỷ luật và tính năng động sáng tạo trong việc chấp hành đường lối, chính sách; quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân; có lối sống trong sạch lành mạnh, giản dị, ý thức trong phòng và chống quan liêu, tham nhũng, độc đoán, chuyên quyền, hách dịch, cục bộ địa phương…
 
Khi tiến hành tự phê bình và phê bình phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị để xác định những nội dung trọng tâm, cần tập trung giải quyết để tạo nên chuyển biến thực sự sau khi sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Đồng thời định kỳ vào dịp tổng kết công tác hằng năm để đánh giá, rút kinh nghiệm những việc làm được và chưa được, kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn để bảo đảm cho tự phê bình và phê bình thực sự đi vào chiều sâu, có nền nếp và đạt được mục tiêu đề ra.
 
Tự phê bình và phê bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của tổ chức đảng và củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Thực hiện tốt công tác tự phê bình sẽ là cơ sở, là yếu tố cơ bản góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Lúc sinh thời, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi "mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt mỗi ngày. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh và Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng" nhằm xây dựng Đảng ta từ Trung ương đến cơ sở ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ mới.
 
Gia Bảo