Thứ 5, Ngày 31/10/2024 -

Kon Tum – Điểm du lịch hấp dẫn
Ngày đăng: 23/09/2019  15:00
Mặc định Cỡ chữ
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp. Đây còn là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, ghi dấu ấn thành những di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia. Tỉnh Kon Tum còn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú với nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc…đã giúp Kon Tum trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Tây Nguyên.

 

Các hiện vật khảo cổ học và trang phục truyền thống của dân tộc bản địa Kon Tum được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

 

Tọa lạc ngay bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng, nơi được biết đến là cái nôi của dòng chảy văn hóa người Ba Na ở Kon Tum, Bảo tàng tỉnh chính là điểm đến hấp dẫn với những ai ham thích khám phá, tìm hiểu đất và người Kon Tum. Thành lập năm 1998, đến nay, Bảo tàng còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ học, tài liệu khoa học, công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, sự hình thành vùng đất Kon Tum từ thời tiền sử đến nay. Trong số hơn 1.800 hiện vật, tư liệu được trưng bày, nhiều hiện vật, bộ sưu tập được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao như di chỉ khảo cổ học Lung Leng, bộ sưu tập chiêng và ghè độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh,… Đây là nguồn sử liệu chân thực, khẳng định Kon Tum là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, là một trong những địa bàn trọng yếu của nền văn minh nông nghiệp và luyện kim ở khu vực Tây Nguyên.

 

Ông Nguyễn Văn Quang – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện nay, Bảo tàng đang tiến hành nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ trên 20.000 tài liệu, hiện vật gồm các bộ sưu tập như là tài nguyên khoáng sản, khảo cổ lịch sử và văn hóa dân tộc, Kon Tum phần cách mạng kháng chiến và Kon Tum trong công cuộc xây dựng CNXH từ 1975 đến nay. Với xu thế hiện nay, di sản văn hóa đang là điểm nhấn của mỗi dân tộc, mỗi tỉnh thì hiện nay Bảo tàng giới thiệu cho khách tham quan trong và ngoài tỉnh cũng như du khách nước ngoài hiểu thêm về bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng của các dân tộc tỉnh Kon Tum.

 

Xuôi về phía Bắc, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, có không ít những di tích lịch sử đã trở thành điểm nhấn nổi bật khi đến tham quan Kon Tum. Tiêu biểu như di tích Quốc gia đặc biệt chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, tại nơi đây, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, giành từng tấc đất, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Giờ đây, khi khói lửa chiến tranh đã lùi xa, nói về địa điểm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh là nói về một biểu tượng bất tử của tình đoàn kết các dân tộc, ý chí chiến đấu quật khởi của người Việt Nam trước kẻ thù xâm lược.

 

Đến với Kon Tum, du khách được trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ với nhiều thắng cảnh đẹp. Trong đó, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen ở huyện Kon Plông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 01 trong 31 khu vực có tiềm năng phát triển Khu du lịch chuyên đề Quốc gia.

 

Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, huyện Kon Plông có khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình từ 16 – 220C. Hệ sinh thái rừng trên địa bàn còn tương đối phong phú, đa dạng với nhiều động, thực vật quý hiếm. Cùng với đó là hệ sinh thái đất ngập nước có giá trị cao về thẩm mỹ và kinh tế như thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke, hồ Toong Pô, Toong Đam, Toong Zơ Ri và hệ thống sông suối phân bố đều ở các xã… Với những lợi thế này, hiện nay, huyện Kon Plông đã đưa vào khai thác các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh…

 

Tọa lạc trên ngọn đồi cao, cách trung tâm huyện gần 03 km về phía Tây là quần thể chùa Khánh Lâm được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 10 ha. Từ chân đồi theo lối cổng tam quan phía trước, bước thêm hơn 200 bậc đá sẽ thấy hiện ra Chánh điện chùa bề thế, uy nghiêm, yên tịnh giữa đại ngàn mây núi. Tại sân Chánh điện, trước hai dãy nhà Tây Lan và Đông Lan là sững sững 18 vị La Hán trong các dáng điệu, vẻ mặt khác nhau. Trước Chánh điện, chùa có Lầu chuông, Lầu trống, tượng Quan thế âm Bồ tát cao gần 20m và hồ sen đối xứng, tạo cảnh quan hài hòa, đẹp đẽ,… Từ lâu, nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Kon Plông.

 

Trở về thành phố Kon Tum, xuôi theo dòng sông Đăk Bla là trải dài nền văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum từ những ngày đầu lập làng, lập bản. Sâu dưới lớp trầm tích cát sỏi, ngoài những kiến tạo địa chất đo đếm được còn là tầng tầng, lớp lớp những văn hóa, sự chuyển mình của thời gian, bước ngoặt lịch sử thấm đẫm khúc ca bi tráng của sinh tồn, đấu tranh giữ nước, giữ đất, giữ làng, giữ cội nguồn dân tộc.

 

Kon Tum là mái nhà chung của các dân tộc bản địa gồm Ba Na, Xê Đăng, Ja Rai, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Mâm và H’re. Góp một tiếng nói, thêm một lời ca, tất cả tạo thành bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, đặc sắc nơi núi rừng Tây Nguyên; thể hiện qua phong tục, tập quán, hệ thống các lễ hội, kho tàng nghệ thuật dân gian, phương thức sản xuất, cách giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt, cách biểu đạt mỹ cảm và các giá trị nhân sinh quan về vũ trụ, thần linh…

 

Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh về du lịch, những năm qua, tỉnh Kon Tum tập trung triển khai các đề án, chương trình nhằm đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2020. Chiến lược phát triển của tỉnh là đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Theo đó, tỉnh chú trọng quy hoạch làng văn hóa du lịch cộng đồng, tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người Kon Tum, triển khai phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo điểm nhấn du lịch thông qua các tuần lễ văn hóa tổ chức tại địa phương.

 

Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum đến năm 2020 là mỗi địa phương trong tỉnh có ít nhất một sản phẩm du lịch độc đáo, hoạt động hiệu quả. Tỉnh cũng đang đẩy mạnh triển khai mô hình du lịch liên kết có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đây là bước đi đúng đắn nhằm chuyên nghiệp hóa công tác du lịch, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người Kon Tum đến du khách trong và ngoài nước; giúp Kon Tum trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn./.

 

Bài, ảnh: Dương Nương