Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XI
Ngày đăng: 05/12/2019  16:02
Mặc định Cỡ chữ
Trong ngày làm việc đầu tiên (4/12) của kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Trần Thị Nga đã báo cáo 09 vấn đề quan trọng mà cử tri đặc biệt quan tâm, trong 74 ý kiến, kiến nghị gửi đến HĐND tỉnh trước và sau kỳ họp thứ 8, khóa XI (64 kiến nghị lĩnh vực kinh tế - ngân sách, 06 kiến nghị lĩnh vực VHXH; 02 kiến nghị lĩnh vực pháp chế; 02 kiến nghị lĩnh vực Ngân hàng và Điện lực).

 

 

09 vấn đề quan trọng cử tri đặc biệt quan tâm gồm:

 

1. Cử tri xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô và các cử tri trên địa bàn thành phố Kon Tum kiến nghị: Đề nghị xem xét, điều chỉnh, xác định lại bảng giá đền bù (đất, cây cối, hoa màu) trong quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh theo hướng nâng mức áp giá đền bù sát với giá cả thị trường đối với đất đai và một số cây cối, hoa màu có giá trị như: cao su, cà phê, mít, cam, ổi, chanh…. Vì theo bảng giá đền bù hiện nay rất thấp, không sát với giá cả thị trường nên người dân rất thiệt thòi, vì tổng giá trị đền bù không bằng công chăm sóc, tiền mua cây giống, giá trị khai thác nguồn thu từ các loại cây cối, hoa, màu bị thiệt hại.

 

Trả lời:

 

- Về đơn giá bồi thường đất: Khi thực hiện dự án trên địa bàn xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, việc bồi thường đất được thực hiện theo giá đất cụ thể tại thời điểm khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 114, Luật Đất đai 2013; Giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường thực hiện các dự án do các ngành, đơn vị chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã tổ chức điều tra, khảo sát giá thị trường để xây dựng cho phù hợp với thực tế, trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để áp dụng thực hiện bồi thường. Vì vậy, giá đất bồi thường theo giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường đất khi Nhà nước thực hiện dự án trên địa bàn xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô là chặt chẽ, đảm bảo quy trình và phù hợp với giá đất thị trường tại thời điểm thu hồi đất.

 

- Về đơn giá bồi thường cây cối, hoa màu: Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, điều tra các yếu tố đầu vào như: Giá cây giống, vật tư, phân bón, giá cả các mặt hàng nông sản, chi phí đầu tư, lợi nhuận sản xuất, kinh doanh các loại cây trồng, giá trị vườn cây; chi phí nhân công, năng suất, sản lượng và giá cả mua bán tại thị trường của các loại cây trồng; xây dựng bảng đơn giá cây cối, hoa màu gửi lấy ý kiến các sở, ngành và các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó, hoàn thiện và ban hành Bảng đơn giá bồi thường các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; do đó, Bảng giá cây trồng được ban hành hàng năm sát với chi phí đầu tư, giá trị thu được từ các loại cây trồng. Trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát chi phí đầu tư (giống, phân bón, vật tư khác), để xây dựng, điều chỉnh Bảng đơn giá cây trồng tỉnh Kon Tum năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

 

2. Cử tri huyện Kon Plông kiến nghị: Hiện nay, diện tích đất nương rẫy của Nhân dân tại các xã đang bị chồng lấn với diện tích đất quy hoạch rừng phòng hộ. Do đó, người dân thiếu đất sản xuất. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch 03 loại rừng để có cơ sở cho các ngành xác định cụ thể, bàn giao cho địa phương bố trí đất sản xuất cho Nhân dân.

 

Trả lời: Thực hiện Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, quy hoạch 03 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất); tỉnh Kon Tum đã lập, trình cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt điều chỉnh kết quả rà soát quy hoạch ba loại rừng và chi tiết địa danh, diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp theo chức năng ba loại rừng trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Sau 10 năm thực hiện, quy hoạch 03 loại rừng trên địa bàn tỉnh hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế, do đó Ủy  ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch 03 loại rừng cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch 03 loại rừng đã được Thường trực Tỉnh ủy và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát diện tích các loại rừng trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 

3. Cử tri huyện Kon Plông và cử tri tại một số địa phương kiến nghị: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm bố trí kinh phí đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy trên địa bàn các huyện để cho các ngành chuyên môn cấp tỉnh phối hợp Ủy ban nhân dân huyện đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho Nhân dân nhằm tránh tình trạng tranh chấp đất đai như hiện nay.

 

Trả lời: Năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - Dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn các huyện Kon Plông, Ia H’Drai, xã Mô Rai của huyện Sa Thầy và xã Đăk Ang của huyện Ngọc Hồi, với tổng kinh phí rất lớn (trên 230 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay do nguồn vốn ngân sách Trung ương chưa được bố trí, hỗ trợ và nguồn thu từ tiền sử dụng đất của địa phương để phục vụ cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn hạn chế, nên đến nay vẫn chưa triển khai được dự án. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các Bộ ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện Dự án. Để đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Kon Plông, trước mắt Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông sử dụng hệ thống tài liệu, bản đồ hiện có để sử dụng (như trích lục, trích đo thửa đất,..nhằm phục vụ cho việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất theo nhu cầu của người dân).

 

4. Cử tri phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum kiến nghị: Hiện nay, hệ số điều chỉnh giá đất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quá cao đã ảnh hưởng đến đời sống của những người có thu nhập thấp và hộ nghèo. Vì vậy, người dân không có tiền để nộp tiền sử dụng đất khi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét lại hệ số điều chỉnh giá đất cho phù hợp với từng đối tượng, nhằm tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp và hộ nghèo làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Trả lời: Căn cứ Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất, hằng năm, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường tổ chức điều tra, khảo sát giá đất trên thị trường để xây dựng Hệ số điều chỉnh giá đất, trình các sở, ngành của tỉnh thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét cho ý kiến. Sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Hệ số điều chỉnh giá đất. Vì vậy, Hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành là đúng quy định, phù hợp với giá thị trường và mặt bằng chung cũng như giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường.

 

5. Cử tri phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum kiến nghị: Hiện nay, chế độ chính sách đối với các Hội quần chúng cùng thực hiện công tác xã hội như nhau nhưng mức phụ cấp có sự chênh lệch, chưa công bằng. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét nội dung này.

 

Trả lời: Hiện nay, chế độ chính sách đối với các Hội được thực hiện theo Điều 7 Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội. Theo đó Trung ương quy định:

 

- Đối với người đã nghỉ hưu giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội Trung ương chỉ quy định mức thù lao tối đa chi trả cho các chức danh này; căn cứ mức thù lao tối đa, các Hội quy định cụ thể mức thù lao hằng tháng đảm bảo tương quan nội bộ, công khai, dân chủ, minh bạch và phù hợp với Điều lệ hoạt động của hội (Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg).

 

- Chế độ, chính sách đối với những người công tác tại hội không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 03/2013/TT-BNV thực hiện theo thoả thuận giữa hội với người công tác tại hội, bảo đảm tương quan trong nội bộ của hội và theo quy định của Bộ luật Lao động, quy định pháp luật có liên quan”.

 

Như vậy, chế độ thù lao (phụ cấp) của người đứng đầu các hội và người hoạt động trong các Hội do các hội tự quyết định, thỏa thuận. Trừ các đối tượng được xác định theo các chức danh không chuyên trách cấp xã gồm (Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Hội Nông dân xã, Hội Cựu chiến binh xã, Hội người cao tuổi xã, Hội Chữ thập đỏ xã) thì hiện nay được chi trả chế độ phụ cấp theo Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

 

6. Cử tri các xã: Đăk Dục, Đăk Kan, Đăk Nông của huyện Ngọc Hồi kiến nghị: Việc dừng chi trả chế độ phụ cấp đối với Công an viên ở thôn làng theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung; bãi bỏ các nghị quyết và nội dung các nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh trật tự thôn, làng, đặc biệt là các thôn, làng vùng biên giới, vùng trọng điểm an ninh chính trị. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sớm hướng dẫn việc triển khai thực hiện khi chấm dứt chi trả phụ cấp cho lực lượng này; có chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo đảm trật tự an ninh thôn, làng trong tình hình hiện nay.

 

Trả lời: Ngày 09 tháng 9 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản số 2337/UBND-KTTH báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh các khó khăn, vướng mắc và đề xuất về việc thực hiện các quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ (trong đó nội dung về chế độ đối với Công an viên ở thôn).

 

Tại Văn bản số 95/HĐND-CTHĐ ngày 20 tháng 9 năm 2019, Thường trực HĐND tỉnh đã có ý kiến Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2014 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh và chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 50/2018/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về bổ sung khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về số lượng, chức danh và chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh vẫn còn hiệu lực thi hành. Do đó, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (trong đó có chức danh công an viên ở thôn) tiếp tục thực hiện theo quy định tại các Nghị quyết nêu trên của Hội đồng nhân dân tỉnh cho đến khi được sửa đổi, bổ sung.

 

7. Cử tri phường Duy Tân, thành phố Kon Tum kiến nghị: Hiện nay, người cao tuổi khi lấy thuốc định kỳ vướng nhiều thủ tục giấy tờ làm mất thời gian. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

 

Trả lời: Theo báo cáo của Sở Y tế: Để được cấp thuốc người bệnh phải được khám, chẩn đoán, trên cơ sở kết quả khám theo quy định. Đối với những trường hợp người mắc bệnh mãn tính cũng phải tuân thủ quy trình nêu trên, thủ tục khám lại để cấp phát thuốc không mất nhiều thời gian cho người bệnh, phụ thuộc vào số lượng người khám tại cơ sở y tế (nếu đông phải xếp hàng theo thứ tự). Đối với người cao tuổi là đối tượng được ưu tiên trong khám chữa bệnh, các cơ sở khám bệnh tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình khám chữa bệnh.

 

Trường hợp người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn khi đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải có giấy chuyển tuyến, đối với người mắc bệnh mãn tính sử dụng các loại thuốc vượt quá khả năng cung cấp của Trạm Y tế cũng sẽ được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiếp tục điều trị, khi đó cũng phải tuân thủ quy trình, thủ tục khám chữa bệnh. Trường hợp người cao tuổi đi khám tại Trung tâm Y tế các huyện hay Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn thủ tục rất đơn giản, do chính sách thông tuyến trong KCB bảo hiểm y tế, không phải giấy giới thiệu, giấy chuyển tuyến.

 

8. Cử tri xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà kiến nghị: Theo Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum thì đối với những xã đạt nông thôn mới không được hưởng tiền tạo vốn từ quỹ đất để đầu tư. Do vậy, khi cần đầu tư công trình cấp thiết thì xã không có nguồn vốn. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh Nghị quyết này.

 

Trả lời: Theo điểm b, mục 2, phần II của Phụ lục sửa đổi, bổ sung phân cấp nguồn thu ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo Nghị Quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum quy định: Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất không gắn với đề án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng (sau khi trừ đi chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) do cấp huyện thực hiện trên địa bàn các phường, thị trấn và xã đã đạt chuẩn nông thôn mới để điều tiết cho ngân sách cấp xã (để duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình hạ tầng; hỗ trợ làm đường hẻm, đường giao thông nông thôn) với tỷ lệ là 10%, nhưng lũy kế số tiền sử dụng đất điều tiết cho 01 xã không quá 05 tỷ đồng/năm. Như vậy, theo quy định những xã đã được công nhận xã nông thôn mới vẫn được hưởng tiền tạo vốn quỹ đất để đầu tư theo mức quy định trên.

 

Theo quy định của Trung ương, đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí của Trung ương, tỉnh đã ban hành, trong thời gian tới Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định điều chỉnh tỷ lệ phân cấp nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, thu tiền sử dụng đất (sau khi hoàn trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) trên địa bàn xã cho ngân sách cấp xã theo tỷ lệ phù hợp với tình hình thực tế địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách theo giai đoạn tiếp theo.

 

9. Cử tri xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô kiến nghị: Hiện nay, trên Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn xã Tân Cảnh) xe tuần tra của Tổ Công an giao thông tỉnh Kon Tum thường xuyên dừng kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông, nhất là xe ô tô tại bất cứ các vị trí như: đoạn đường dốc, đường khúc cua, khuất tầm nhìn… nên rất nguy hiểm cho người và các phương tiện khác khi qua lại. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Tổ Công an giao thông tỉnh khi đi tuần tra nên dừng kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông tại các vị trí thông thoáng theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện giao thông qua lại…

 

Trả lời: Theo kiến nghị của cử tri, Công an tỉnh trả lời như sau:  Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông ngoài việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy trình tuần tra, kiểm soát do Bộ Công an quy định, phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, đặc thù của từng tuyến đường để triển khai các biện pháp công tác đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

 

Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum với đặc thù là tỉnh miền núi, nên hệ thống đường giao thông đa số quanh co lên xuống dốc liên tục (trong đó có Quốc lộ 14 đoạn đi qua địa bàn huyện Đăk Tô), trong một số trường hợp cấp thiết, khi phát hiện các phương tiện vi phạm các lỗi nguy hiểm nếu không dừng phương tiện vi phạm ngay sẽ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông khác, nguy cơ xảy ra TNGT cao nên buộc lực lượng CSGT phải dừng phương tiện để ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Việc dừng phương tiện trong các trường hợp này đã được CSGT tính toán đến độ an toàn và yêu cầu người điều khiển thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định.

 

Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng CSGT; tiếp tục nâng cao tính chủ động, sử dụng phương thực tuần tra, kiểm soát giao thông hợp lý để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT và hạn chế thấp nhất việc dừng xe ở đoạn đường dốc quanh co.

 

Cổng TTĐT tỉnh