Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành nổi bật từ ngày 17 đến ngày 21/02/2020
Ngày đăng: 25/02/2020  07:44
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Quy định mức thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích trong thi đấu tại các giải thể thao; Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; Tăng cường công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; Đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện trong mùa khô; Tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán; Quản lý người nước ngoài và người dân đến từ các vùng có dịch; Tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 17 đến 21/02/2020.

 

Quy định mức thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích trong thi đấu tại các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và quốc gia:

 

Căn cứ các quy định pháp luật có liên quan, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 18/02/2020 về Quy định mức thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên tỉnh Kon Tum đạt thành tích trong thi đấu tại các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

 

Mức chi tiền thưởng được quy định tại quyết định này áp dụng đối với vận động viên, huấn luyện viên đội tuyển thể thao của tỉnh, của các cơ quan đơn vị, địa phương lập thành tích trong thi đấu tại các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và quốc gia theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

 

Về kinh phí thực hiện, đối với các giải thể thao toàn quốc, nguồn kinh phí được bố trí trong dự toán chi ngân sách sự nghiệp thể dục thể thao hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và nguồn kinh phí hợp pháp khác; đối với các cấp đội tuyển của tỉnh tham gia giải toàn quốc, cơ quan ra quyết định triệu tập huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí thực hiện chế độ thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên theo quy định. Đối với giải thể thao trong tỉnh, cấp nào ban hành văn bản tổ chức giải thi đấu thể thao, cấp đó có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí thực hiện chế độ thưởng theo quy định.

 

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/02/2020 và thay thế Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 30/3/2016 của UBND tỉnh về quy định mức thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên tỉnh Kon Tum đạt thành tích trong thi đấu tại các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

 

Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp:

 

Ngày 20/02/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2020.

 

Quy chế kèm theo Quyết định quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong việc xây dựng, phê duyệt, xử lý chồng chéo, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố; các cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp Trung ương đặt tại tỉnh; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

 

Về nguyên tắc, việc phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm tính khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm phân công nhiệm vụ rõ ràng, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp; công tác phối hợp phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

 

UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai và theo dõi thực hiện; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai và phối hợp với Thanh tra tỉnh tổ chức thực hiện đúng theo quy định.

 

Tăng cường công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi:

 

Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong triển khai công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác người cao tuổi nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo trợ xã hội, chúc thọ, mừng thọ đối với người cao tuổi; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật người cao tuổi và các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi; tổ chức các hoạt động truyền thông, đối thoại chính sách, tập huấn,.. để người cao tuổi nắm rõ chính sách, có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề quan tâm. Tham mưu lồng ghép một số mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình hành động về người cao tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện các hoạt động chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.

 

Tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, bồi dưỡng và tập huấn kiến thức tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi và gia đình người cao tuổi; sắp xếp, bố trí phòng khám chuyên khoa lão khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ và lập sổ quản lý sức khỏe cho người cao tuổi ở các xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi; thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự về các hoạt động của người cao tuổi...

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đối với người cao tuổi; tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn quản lý...

 

Công tác đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện trong mùa khô năm 2020:

 

Nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành hệ thống điện Quốc gia trên địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2020, nhất là công tác phòng chống cháy rừng gây ảnh hưởng đến công tác vận hành đường dây; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động chủ rừng, hộ dân cư trú gần rừng thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ việc trồng, khai thác rừng, xử lý thực bì rừng đối với các khu vực trong và gần hành lang tuyến đường dây truyền tải điện đi qua. Tăng cường công tác quản lý các vật liệu cháy nổ trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các hành vi vi phạm. Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và xâm hại công trình lưới điện cao áp. Thực hiện tốt công tác truyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ công trình lưới điện cao áp để người dân biết và tự giác chấp hành; kịp thời đưa tin cảnh báo và dự báo cháy rừng, nhất là những ngày cao điểm nắng nóng tại khu vực có đường dây điện đi qua...

 

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và cấp xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuyên truyền đến chủ rừng, người dân các về quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiêm cấm việc đốt rừng, đốt rẫy gây ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ lưới điện cao áp, kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; chỉ đạo chủ rừng thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy; xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng nhất là tại các khu vực gần hành lang bảo vệ đường dây truyền tải điện có cấp điện áp 500kV, 220kV và 110kV...

 

Tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán trong mùa khô năm 2020:

 

Thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước trong mùa khô năm 2020 theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Trong đó, tập trung sửa chữa các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, hồ chứa nước và có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng; chủ động nắm bắt tình hình để chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành tích nước các hồ chứa phù hợp, có kế hoạch phân phối nước hợp lý, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp; tổ chức kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp với thực tiễn nguồn nước, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

 

Tiếp tục điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

 

Yêu cầu các cơ quan liên quan chủ động có giải pháp phòng chống hạn hán trong mùa khô năm 2020; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2020 và tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát lâm sản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định; chỉ đạo, đề nghị các chủ hồ thủy điện có giải pháp, kế hoạch điều tiết, vận hành các hồ thủy điện, bảo đảm nguồn nước phòng, chống hạn hán cho hạ du, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; tăng cường thông tin, truyền thông về tình hình hạn hán, thiếu nước, các biện pháp chỉ đạo ứng phó để Nhân dân biết, chủ động thực hiện, tiết kiệm nước, hiệu quả...

 

Quản lý lao động, khách du lịch người nước ngoài và người dân đến từ các vùng có dịch:

 

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chấn chỉnh tình trạng lơ là trong quản lý lao động và khách du lịch là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh thời gian qua; tăng cường trách nhiệm trong quản lý lao động, khách du lịch là người nước ngoài, nhất là người nước ngoài đến từ các vùng có dịch CoVid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và của UBND tỉnh.

 

Thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ đối với các trường hợp người dân Việt Nam đến từ các vùng có dịch CoVid-19 để kịp thời thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, nhất các khu vực dân cư, kinh tế mới có người dân, người thân đến từ vùng có dịch CoVid-19 sinh sống tại địa phương. Chủ động phối hợp nắm bắt thông tin, báo cáo diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh; thực hiện những giải pháp tốt nhất để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các nội dung liên quan đến CoVid-19; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu lơ là trong quản lý, không báo cáo kịp thời các vụ việc có liên quan.

 

Tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép:

 

Triển khai ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới công chức, viên chức, người lao động và người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; không mua, bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và các sản phẩm của chúng; không săn bắn, bắt, mua, bán, sử dụng các loài chim hoang dã, đặc biệt các loài chim hoang dã di cư; không vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; thông tin kịp thời tới các lực lượng thực thi pháp luật để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo tồn các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm và vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loại ngoại lai xâm hại.

 

Yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp liên ngành, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại các chợ động vật tự phát và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã.

 

Yêu cầu các cơ quan liên quan của tỉnh hướng dẫn các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác kiểm dịch, khử trùng, hạn chế việc tiếp xúc với động vật hoang dã và thường xuyên liên lạc với các cơ quan quản lý chuyên môn của tỉnh để nắm bắt thông tin về tình hình phát sinh dịch bệnh và lây nhiễm. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về việc không săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, các mối nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch từ việc tiêu thụ, tiếp xúc với động vật hoang dã.

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất:

 

Tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và cấp xã khẩn trương thực hiện công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; tập trung lực lượng tăng cường về các xã, phường, thị trấn để đôn đốc, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với các xã, phường, thị trấn chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa hoàn thành.

 

Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung lực lượng để kiểm tra kết quả thực hiện đối với các địa phương đã hoàn thành việc kiểm kê đất đai năm 2019 ở cấp xã, đặc biệt kiểm tra các nội dung điều tra, xác định hiện trạng sử dụng đất, lập bản đồ kiểm kê đất đai cấp xã để bảo đảm chất lượng kiểm kê đất đai. Phối hợp, triển khai thực hiện việc kiểm tra, đối soát các vị trí đất quốc phòng, đất an ninh ở địa phương trước khi tổng hợp kết quả kiểm kê đất đai ở cấp huyện.

 

Chỉ đạo nêu rõ, mọi chậm chễ trong công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em:

 

Nhằm tăng cường công tác quản lý, đảm bảo thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trong đó lưu ý: Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về phòng chống, đuối nước trẻ em; tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian trẻ nghỉ học do dịch CoVid-19. 

 

Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em; cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường công tác phối hợp giữa Nhà trường và gia đình nhằm thực hiện tốt công tác quản lý trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường học, gia đình và cộng đồng./.

 

Thái Ninh