Thứ 7, Ngày 17/05/2025 -

Sức sống xóm chài ở huyện biên giới Ia H’Drai
Ngày đăng: 19/03/2020  14:59
Mặc định Cỡ chữ
Nghe tiếng đã lâu, tháng 3 này, chúng tôi mới có dịp về xóm chài ở thôn 7, xã Ia Tơi, huyện biên giới Ia H’Drai. Chỉ đơn giản với danh từ chung ấy, song nơi đây đã trở thành cái tên quen thuộc, ghi dấu cuộc sống của các gia đình ngư dân trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Làng chài ở xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai trên lòng hồ thủy điện Sê San 4

 

Ngày 11/3 năm nay, huyện biên giới Ia H’Drai kỷ niệm 5 năm thành lập, ghi tên mình vào đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Kon Tum. Tuy vậy, những người tiên phong đến “mở đường” trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 để khai sinh ra xóm chài sau này thì đã có mặt ở đây từ mấy năm trước đó.

 

Anh Đặng Văn Thuộc (40 tuổi) người xóm chài kể: Quê gốc Vĩnh Phước, Tri Tôn, An Giang, cuộc sống khó khăn khiến không ít bà con, trong đó có cha con anh  phải lang bạt nhiều nơi, kiếm kế sinh nhai. Năm 2010, khi đang ở Đăk Lăk, may mắn được anh em người Bình Định, Quảng Ngãi cùng cảnh tha phương mách bảo, Thuộc cùng cha (ông Đặng Văn Thân) và anh vợ (Nguyễn Văn Triều) lặn lội tìm tới khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 này.

 

Tự phát đi làm ăn, nên ban đầu, phải đối mặt với vô vàn khó khăn; song nhờ nguồn lợi thủy sản dồi dào mà thiên nhiên ban tặng, họ đã kiên trì bám trụ trong bấp bênh, thiếu thốn, nuôi dưỡng niềm tin vào một vùng sông nước định cư mới để gây dựng một cuộc sống mới. Chính sức sống tiềm tàng, ẩn chứa trong mênh mông sóng nước lòng hồ đã thôi thúc họ, chỉ sau một thời gian ngắn, đã âm thầm trở về quê cũ, đưa anh em bà con lên làm nghề, lập nghiệp.

 

5 năm sau ngày ra đời huyện mới Ia H’Drai, xóm chài heo hút năm xưa đã là khu dân cư “đặc biệt”, riêng có ở vùng cao Bắc Tây Nguyên của 35 hộ, gần 150 nhân khẩu.

 

Ngoài phần lớn các hộ người gốc An Giang, còn có khoảng chục hộ ngư dân đến từ Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Cà Mau… chung tay lập nghiệp. Được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Kon Tum, hiện tại, ngoại trừ một số hộ phát sinh do tách khẩu, 29 hộ đã có hộ khẩu, được quản lý hộ tịch, được hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sản xuất nghề cá, được chăm lo y tế - giáo dục…

 

Ổn định nơi an cư cho gia đình, con cái trên đất liền, nhưng cuộc sống của bà con thì vẫn gắn liền với sóng nước lòng hồ. Không chỉ sống chủ yếu nhờ đánh bắt thủy sản bằng thả lưới thả rớ và chế biến các sản phẩm từ cá nước ngọt, các gia đình ngư dân còn đầu tư nuôi cá nước ngọt bằng lồng, bè; mở thêm nghề mới, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Cuộc sống ổn định và ngày càng phát triển của bà con xóm chài

 

Nhà bè của gia đình anh Nguyễn Văn Triều, xóm trưởng xóm chài là một trong số nhà bè rộng và kiên cố nhất ở đây. Tiên phong “mở đường” vào làm nghề đánh bắt trên lòng hồ, giờ đây, anh đã có trong tay cơ ngơi ổn định, vốn liếng kha khá và nhất là cả gia đình vui vầy, đầm ấm.Vợ chồng anh chăm chỉ thả lưới thả cá, còn mở thêm quán phục vụ bà con và du khách gần xa. Hai con gái, cháu lớn học lớp 11, cháu nhỏ học lớp 9 ở trường huyện.

 

Với anh, dòng Sê San không chỉ hùng vĩ mà còn vô cùng linh thiêng, đáng trọng. Sê San sông nước giàu có cá tôm, từ các loại phổ biến, dân dã như cá mè, trắm, chép, cá rô, thác lác…đến hàng thượng đẳng của nước ngọt như cá Anh vũ , Sọc dưa, Lăng nha, Lăng bò…lòng hồ Sê San cũng nuôi nấng, chở che những con người chân chất, thật tâm, một lòng gắn bó với vùng quê hương mới.

 

Khởi đầu nhờ mấy mô hình trình diễn nuôi cá nước ngọt được chính quyền hỗ trợ, gần đây, bà con trong xóm chài nhà nào cũng làm bè, làm lồng để nuôi thêm cá lóc, cá trê, rô phi. Riêng gia đình anh Triều đã thử nghiệm nuôi cá Chình thành công, mở ra hướng đầu tư nuôi cá thương phẩm giá trị cao, bước đầu triển vọng. 

       

Nguyễn Thành Nhân là một trong số thanh niên đầu tiên đến với xóm chài sau những người mở lối. Năm 2016, nhà anh là một trong số hộ ở xóm chài chính thức trở thành điểm đón khách tham quan và trải nghiệm cuộc sống của người dân lòng hồ.

 

Nguyễn Thành Nhân cũng là người đi đầu mua sắm phương tiện cơ giới để chở người và vận chuyển hàng hóa. Kể từ lần đầu tiên sắm chiếc thuyền có mái che trị giá hơn 40 triệu đồng vào tháng 3/2017, đến nay, gia đình anh đã làm chủ thêm 3 chiếc thuyền nhựa và thuyền sắt loại này, mỗi chiếc trị giá 80 triệu đồng. Ngoài anh Nhân, xóm chài còn có 3 hộ cũng đã mạnh dạn sắm thuyền máy có mái che để thuận tiện cho việc vận chuyển trên lòng hồ.

 

Nằm ở vùng sâu vùng xa, đường đến nơi còn khó khăn, nhưng thời gian qua, mỗi tháng, xóm chài cũng đón vài ba đoàn khách đến thăm.Vào dịp lễ, tết, nhất là kỷ niệm 8/3, 30/4, 2/9, Tết dương lịch, sau Tết Nguyên đán, lượng khách đến tập trung khá đông, mỗi ngày cả trăm người.Tất cả đều được đặt trước để các hộ chủ động sắp xếp kế hoạch tiếp đón, phục vụ chu đáo.        

 

Không chỉ hỗ trợ bà con sản xuất, sinh hoạt, chính quyền địa phương còn hỗ trợ người dân xóm chài các điều kiện để hình thành điểm du lịch xóm chài- một trong số điểm đến ấn tượng của huyện vùng cao, biên giới mang nét riêng biệt và cuốn hút.

 

Theo ông Chế Hồng Quyền - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi: Năm 2019, nhờ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư xây dựng bến thuyền với tổng kinh phí gần 01 tỷ 150 triệu đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con và hoạt động đón - trả khách phương xa đến tham quan, trải nghiệm. Tại đây bước đầu hình thành tour du lịch lòng hồ: thăm xóm chài, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cùng bà con trên nhà bè, khám phá lòng hồ thủy điện Sê San bằng thuyền máy và đặc biệt là kết nối với điểm đến thác mơ bên lòng hồ thuộc địa bàn tỉnh Gia Lai. Đặc sản cá cơm đang được hoàn tất thủ tục để tham gia và đề xuất đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.

 

Hiện nay, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân xóm chài ngày càng đi vào ổn định. Tuy vậy, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và lâu dài, mong muốn của bà con là được đầu tư xây dựng kiên cố đoạn đường hơn 4 cây số từ ngã ba Quốc lộ 14C thuộc địa bàn xã Ia Tơi vào bến thuyền xóm chài. Tín dụng chính sách cũng là nguồn vốn được các gia đình mong đợi và kỳ vọng phát huy hiệu quả sử dụng, giúp bà con không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng trên vùng sông nước lòng hồ Sê San thân thương của mình.

 

                                                                      Bài, ảnh: Nghĩa Hà