Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19
Ngày đăng: 03/08/2020  10:57
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 02/8, Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Dự họp có các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương.

 

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, dự họp có các đồng chí: Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

 

Theo thông tin của Bộ Y tế, trên thế giới hiện ghi nhận 17.794.549 trường hợp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ với 683.798 trường hợp tử vong (Mỹ có số mắc và tử vong cao nhất với 4.706.180 trường hợp mắc, 156.764 tử vong).

 

Tại Việt Nam, đến ngày 02/8, ghi nhận 590 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam), 05 trường hợp tử vong. Sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25/7/2020 đến nay, cả nước đã có thêm 175 trường hợp mắc được ghi nhận, trong đó có 144 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (105), Quảng Nam (25), Đắk Lắk (01), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Ngãi (02), Hà Nội (2), Thái Bình (01) và 05 trường hợp tử vong là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền rất nặng.

 

Sau khi dịch bệnh quay lại tại Đà Nẵng từ ngày 24/7/2020, số trường hợp mắc gia tăng và lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Trong vòng 10 ngày tính từ 24/7/2020 đến nay, đã ghi nhận 144 trường hợp mắc và 05 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 31/7/2020, số trường hợp mắc đạt mức kỷ lục từ đầu vụ dịch với 82 trường hợp mắc, trong đó có 56 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng. Các trường hợp bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại, hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của Thành phố Đà Nẵng với 138/144 trường hợp là các bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp trên.

 

Thời gian qua là cao điểm của mùa du lịch và có rất nhiều hành khách từ các địa phương đã đi/đến Đà Nẵng. Có khoảng 1,4 triệu người đã đến Thành phố Đà Nẵng từ 01-29/7/2020, trong đó có khoảng 800.000 người có đi đến khu vực 03 bệnh viện tại thành phố. Các trường hợp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

 

Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, ngành chức năng đã tiến hành khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng để dập dịch tại cụm 3 bệnh viện (Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng) và một số địa điểm ghi nhận có ca mắc tại cộng đồng. Tiến hành phong tỏa tất cả các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại các địa phương đã phát hiện các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đăk Lăk, Thái Bình. Truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe đối với các trường hợp nghi ngờ.

 

Bộ Y tế đã cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị hồi sức, thận nhân tạo, tim mạch, từ các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh... đến tăng cường hỗ trợ cho Đà Nẵng. Tổ chức 06 cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia cho công tác điều trị bệnh nhân. Triển khai phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ Bệnh viện Đà Nẵng ra điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế nhằm hỗ trợ điều trị bệnh nhân cho Đà Nẵng. Tổ chức thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, kết hợp các phương pháp cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, đã từng tiếp xúc với người bệnh, đi/đến, trở về từ những địa điểm có nguy cơ cao theo thông báo của Bộ Y tế...

 

Thủ tướng Chính phủ kết luận cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn

 

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bình tĩnh, chủ động, không được chủ quan, hoang mang, dao động và bị động, ngăn ngừa, ngăn chặn dịch Covid-19 không để lây lan ra diện rộng.

 

Ngoài ra, triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, kiên định năm nguyên tắc phòng, chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc tiếp tục làm tốt công tác điều trị và thực hiện triệt để phương châm bốn tại chỗ theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

Khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng từ 01/7/2020 đến 28/7/2020 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế, các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe.

 

Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế, thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

 

Tăng cường năng lực, thành lập các tổ, đội giám sát cách ly, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng, giao trách nhiệm phụ trách các hộ dân trên địa bàn, giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào cộng đồng; phối hợp với các lực lượng công an, y tế thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

 

Tăng cường quản lý chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, các đường mòn, lối mở. của các bệnh nhân nặng phải có biện pháp xử lý tốt để hạn chế tử vong; cương quyết dồn mọi nguồn lực xử lý ổ dịch; áp dụng các biện pháp cách ly phù hợp; các địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội, tiếp tục đảm bảo điều kiện an toàn để sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế.

 

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, dịch ở cấp độ mới nên mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn, mỗi người dân là 1 chiến sĩ; mỗi ngôi nhà, thôn, làng, khu phố là pháo đài chống dịch; cần bảo vệ mình, gia đình mình và người dân nơi cư trú.

 

Các bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch, quyết tâm không để xảy ra thêm ổ dịch; có phương án bảo vệ đội ngũ y tế tốt nhất; xử lý nghiêm hành vi tung tin thất thiệt về dịch bệnh; cần tính toán kỹ lưỡng khi quyết định cách ly xã hội; tăng cường kiểm soát đường mòn, lối mở, cửa khẩu, sân bay; rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện gói an sinh xã hội, quan tâm đến đời sống người lao động. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone, NCOVI; thực hiện các khuyến nghị của Bộ Y tế, hạn chế đi ra khỏi nhà trong trường hợp không cần thiết, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số trong hội họp, học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa phát biểu tại cuộc họp với các sở, ngành, địa phương

 

* Ngay sau khi cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã họp nhanh với sở, ngành và các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

 

Đồng chí lưu ý các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặt nhiệm vụ chống dịch lên hàng đầu, đồng thời, tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương khóa chặt biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép; rà soát lại các khu cách ly tập trung của tỉnh để có phương án điều chỉnh phù hợp; các chốt, trạm kiểm dịch y tế cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ để ngăn ngừa dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào tỉnh. Các ngành, địa phương của tỉnh, đặc biệt là ngành Y tế cần phải rà kỹ soát các đối tượng đi/đến/ở/về từ Đà Nẵng, Quảng Nam, xem xét mở rộng xét nghiệm các đối tượng có yếu tố dịch tễ; đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt chú ý phát huy hiệu quả hệ thống loa truyền thanh cơ sở, loa tuyên truyền lưu động trong công tác tuyên truyền tại các địa phương cơ sở; kiểm soát chặt giá khẩu trang y tế không để xảy ra trục lợi.

 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương gương mẫu đi đầu phát huy tinh thần trách nhiệm, trước hết chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền; khuyến cáo người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone, NCOVI; cùng với đó là triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp mà tỉnh và trương ương đã chỉ đạo.

 

Tại tỉnh Kon Tum, theo báo cáo của Sở Y tế về tình hình giám sát ca nghi nhiễm/có yếu tố dịch tễ về Kon Tum từ thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tính đến 11 giờ ngày 2/8, toàn tỉnh có 39 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trong đó, có 36 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm lần một âm tính với SARS-CoV-2. Tổng số trường hợp đang được cách ly tại cơ sở y tế là 76 trường hợp. 402 trường hợp đến/ở/về từ vùng dịch cũng đang được giám sát, cách ly tập trung tại các khu cách ly tập trung của tỉnh và các huyện; 3.245 trường hợp được cách ly, theo dõi tại nhà.

 

Tin, ảnh: Dương Nương