Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số
Ngày đăng: 28/09/2020  16:42
Mặc định Cỡ chữ
UBND tỉnh ban hành Công văn số 3666/UBND-KGVX ngày 28/9/2020 chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

 

Theo đó, để tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 23/01/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, UBND yêu cầu:

 

UBND huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, các bậc cha, mẹ và cộng đồng. Vận động cha, mẹ huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi mầm non, tiểu học ra lớp, thực hiện tốt việc duy trì sĩ số, hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học, đi học không chuyên cần.

 

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, phối hợp chặt chẽ giữa môi trường nhà trường, gia đình, xã hội trong tăng cường tiếng Việt cho trẻ; phối hợp với chính quyền cấp xã, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, già làng, các bậc cha, mẹ để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em. Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục, gia đình và cộng đồng cho trẻ em vùng DTTS. Xây dựng và phát huy tốt các thư viện, tủ sách tại nhà trường, cộng đồng, gia đình, đồng thời chủ động xây dựng các kênh truyền thanh, truyền hình địa phương dành cho thiếu nhi nhằm tạo điều kiện, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS; thực hiện việc mở nhóm trẻ nhằm tăng dần tỷ lệ huy động trẻ em dưới 3 tuổi ra lớp, nhất là ở các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay chưa có nhóm trẻ; duy trì, củng cố và phát triển việc tổ chức cho trẻ ăn trưa dưới nhiều hình thức, nâng cao chất lượng thực hiện tăng cường tiếng Việt, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non.

 

Tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường, lớp trên cơ sở tạo điều kiện tốt để huy động học sinh ra lớp gắn với giảm thiểu quy mô trường, lớp nhỏ lẻ, phân tán; ưu tiên bố trí ngân sách xây dựng phòng học mới, bổ sung học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng dạy học, phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp với trẻ em vùng DTTS, nhằm tăng cường tiếng Việt cho các em. Triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ cho trẻ em người DTTS. Tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

Tuyển dụng và sắp xếp giáo viên mầm non, tiểu học đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp theo quy định; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là bồi dưỡng đào tạo tiếng DTTS nhằm hỗ trợ tốt việc tổ chức các hoạt động giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất cho học sinh tiểu học.

 

UBND tỉnh giao các cơ quan liên quản của tỉnh  tổ chức biên soạn tài liệu địa phương, các tài liệu tăng cường tiếng Việt cho trẻ trong nhà trường phù hợp;  đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cho tỉnh Kon Tum nhằm đảm bảo định mức giáo viên/lớp theo quy định; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS tại chỗ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên công tác tại vùng DTTS trên địa bàn tỉnh; thực hiện thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng chỉ tiêu biên chế được giao của các huyện, thành phố theo quy định.

 

Rà soát, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục thực hiện Kế hoạch theo phân cấp, khả năng cân đối ngân sách nhà nước hiện hành; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép, giao chỉ tiêu có liên quan trong Kế hoạch số 215/KH-UBND vào các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hằng năm và theo giai đoạn 5 năm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, tạo sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi của Nhân dân, các tổ chức xã hội đối với sự phát triển giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh; tăng thời lượng tiếng Việt trên các kênh truyền thanh, truyền hình địa phương dành cho trẻ em nhằm tạo môi trường tiếng Việt cho trẻ em./.

 

Cổng TTĐT tỉnh