Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 211-KL/TU ngày 01/6/2021 của Tỉnh ủy
Ngày đăng: 08/07/2021  17:17
Mặc định Cỡ chữ
Tại văn bản 2327/UBND-NNTN ngày 7/7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện một số nội dung về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Kết luận số 211-KL/TU ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Tỉnh ủy Kon Tum về kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ thời gian đến.

 

Các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

 

Tăng cường quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng để tạo sự đồng thuận; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững, tinh thần chủ động, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới của người dân.

 

Tiếp tục tổ chức triển khai nghiêm túc, đạt hiểu quả trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 theo các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021, Công văn số 1409/UBND-NNTN ngày 05 tháng 5 năm 2021 và Công văn số 2219/UBND-NNTN ngày 30 tháng 6 năm 2021 đảm bảo hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã đề ra.

 

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

 

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, xác định lộ trình, nguồn lực, trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện đối với từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy "về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2020".

 

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội, nỗ lực phấn đấu để góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có từ 60 xã trở lên đạt chuẩn xã nông thôn mới, 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, năm 2021 có thêm 08 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Trước mắt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng nông thôn năm 2021 của từng địa phương, đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tiến tới xây dựng đạt chuẩn tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Rà soát, xác định rõ nội hàm, mối liên hệ và tính phụ thuộc, tác động lẫn nhau giữa một số tiêu chí nông thôn mới; trên cơ sở đó, căn cứ vào lợi thế, điều kiện, đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương để nghiên cứu, triển khai các giải pháp cùng phục vụ cho nhiều mục tiêu; đồng thời, xem xét, lựa chọn, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả một số tiêu chí nông thôn mới, qua đó tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho việc thực hiện các tiêu chí có liên quan.

 

Có giải pháp quyết liệt hơn nữa để tạo sự chuyển biến trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường và được thực hiện đồng bộ với việc đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, kiên trì làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nhất là biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tích cực tham gia vào các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới; kết hợp với kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp cùng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

 

Phân công trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về hoàn thành các mục tiêu; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và có giải pháp huy động nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ các xã dự kiến đạt chuẩn theo mục tiêu đề ra.

 

Ban hành kế hoạch xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 (nội dung kế hoạch phải xác định lộ trình đạt chuẩn theo từng năm của từng huyện, thành phố; nhiệm vụ giải pháp để tổ chức thực hiện) đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra; tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch chi tiết thực hiện các giải pháp xây dựng các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về từng lĩnh vực, thôn nông mới và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 để tập trung các nguồn lực, nguồn vốn, huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Đồng thời gửi các kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15 tháng 7 năm 2021 để tổng hợp, theo dõi, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Chủ động khai thác, huy động, lồng ghép, sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí. Trong đó, chú trọng đầu tư các công trình phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân, nhất là giao thông nông thôn, cấp nước sinh hoạt, nhà ở dân cư, công trình thủy lợi, giáo dục, y tế... và ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp cho các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.

 

Thủ trưởng các Sở, ban ngành được phân công phụ trách tiêu chí: Tăng cường, nêu cao trách nhiệm, xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể để hỗ trợ cho các địa phương phấn đấu đạt và củng cố, nâng cao chất lượng đối với từng tiêu chí nông thôn mới thuộc lĩnh vực phụ trách của đơn vị. Hoàn thành và gửi kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 7 năm 2021 để tổng hợp, theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Kịp thời giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương đối với từng tiêu chí chưa đạt, đặc biệt là các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, giai đoạn 2021- 2025.

 

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rà soát, nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ để phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và thôn nông thôn mới. Hoàn thành trong tháng 7 năm 2021.

 

Đề nghị Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Tăng cường các tin, bài về các phong trào, mô hình hưởng ứng xây dựng nông thôn mới có cách làm hay, hiệu quả, các phong trào “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững"...

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh:

 

Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung tổng kết các nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và xây dựng các xã đặc biệt khó khăn; đồng thời, căn cứ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để tham mưu xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện cả 03 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên, đảm bảo tập trung, thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả (ngay sau khi Trung ương ban hành Chương trình hoặc Đề án).

 

Chủ trì, rà soát, xác định rõ nội hàm, mối liên hệ và tính phụ thuộc, tác động lẫn nhau giữa một số tiêu chí nông thôn mới; trên cơ sở đó báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện phù hợp với lợi thế, điều kiện, đặc điểm, tình hình thực tế của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả một số tiêu chí, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chí liên quan. Hoàn thành trước ngày 20 tháng 7 năm 2021.

 

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 (nội dung kế hoạch phải xác định lộ trình đạt chuẩn theo từng năm của từng huyện, thành phố; nhiệm vụ giải pháp để tổ chức thực hiện) đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có từ 60 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó năm 2021 có thêm 08 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp để chỉ đạo các địa phương thực hiện đạt mục tiêu có 04 huyện và thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Hoàn thành trong tháng 7 năm 2021.

 

Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình sau khi Trung ương quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

 

Theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hằng tháng (trước ngày 20) tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện của các địa phương, đơn vị để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.

 

Dương Nương – Thanh An