Thứ 3, Ngày 14/01/2025 -

Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động
Ngày đăng: 16/07/2021  21:45
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 15/7/2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2418/UBND-KGVX về việc đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

 

1. Các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành triển khai một số nhiệm vụ sau:

 

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai Kế hoạch số 119-KH/TU ngày 18 tháng 12 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”, Chủ động rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao; xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm bố trí nguồn lực thực hiện nhằm bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền (nếu có). Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân lao động.

 

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế thực chất ở địa phương phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế - xã hội bao trùm; huy động,  phân bổ,sử dụng có hiệu quả  các nguồn lực,tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển nhanh và bền vững; đảm bảo liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và phát triển, tăng năng suất lao động.

 

Tiếp tục rà soát các chương trình, kế hoạch triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên địa bàn tỉnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, giúp công nhân lao động được thụ hưởng các quyền hợp pháp, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng của công nhân lao động và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn;

 

Quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa công nhân lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”, đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.

 

Chủ động tham mưu xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở, thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của địa phương. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp thuộc địa bàn quản lý.

 

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, nghiên cứu, đề xuất xây dựng các mô hình “khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” đồng bộ, gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng; đáp ứng được nhu cầu riêng cho công nhân lao động các khu, cụm công nghiệp kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao;

 

Tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân lao động; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.

 

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; kịp thời nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương,bảo hiểm xã hội,an toàn vệ sinh lao động; sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phù hợp với tình hình thực tế.

 

Tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch số 1697/KH-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; trong đó chú trọng đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu, đồng thời giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường lao động.

 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

 

Đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động; đồng thời đáp ứng nhu cẩu dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.

 

Tham mưu triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 theo quy định, bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; tăng cường tuyên truyền các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19.

 

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.

 

Tăng cường tuyên truyền các cơ chế, chính sách thu hút người quản lý doanh nghiệp và xã hội đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại các khu, cụm công nghiệp và những nơi tập trung nhiều công nhân lao động.

 

4.Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có nguồn lực mạnh, sử dụng công nghệ hiện đại, quản trị tốt, ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ tham gia đầu tư vào địa bàn của tỉnh. Ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu, cụm công nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

5.Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, cân đối trong dự toán chi sự nghiệp đảm bảo xã hội hàng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết hợp nguồn ngân sách cấp huyện theo phân cấp để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động theo quy định.

 

6. Sở Y tế: Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 2561/KH-UBND, ngày 16 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030.

 

Hướng dẫn bữa ăn ca cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp theo quy chuẩn định mức calo đảm bảo dinh dưỡng, mức bồi dưỡng đối với các đối tượng lao động đặc thù do cơ quan có thẩm quyền ban hành; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc phù hợp với đặc thù của các ngành nghề.

 

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, giải pháp thu hút doanh nghiệp và xã hội đầu tư xây dựng bệnh viện, phòng khám, cơ sở chăm sóc nâng cao sức khỏe tại các khu, cụm công nghiệp và những nơi có nhiều công nhân lao động sinh sống. Thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe của công nhân, đề xuất phương thức quản lý và tổ chức hoạt động của các bệnh viện, phòng khám phù hợp với điều kiện sinh hoạt, làm việc của đa số công nhân lao động.

 

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động, phù hợp với phát triển khu, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị của địa phương; nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động.

 

8. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về việc làm, điều kiện làm việc, mức sống của công nhân lao động, các biện pháp, chính sách hỗ trợ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tạo sự quan tâm, đồng thuận và huy động toàn xã hội tích cực tham gia công tác đổi mới, đảm bảo việc làm, cải thiện điêu kiện làm việc và nâng cao mức sống của công nhân lao động.

 

9. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các cơ chế bố trí quỹ đất, có chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, các công trình phúc lợi tại các khu công nghiệp tập trung theo quy định của pháp luật. Báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng về việc hoàn thiện chính sách về phát triển nhà ở đối với công nhân lao động khu, cụm công nghiệp;

 

Tích cực, chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai các thiết chế công đoàn tại các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 tất cả các khu, cụm công nghiệp đều có thiết chế công đoàn.

 

10. Sở Công Thương: Chủ trì phối hợp với vị đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Công văn số 4721/VPCP-QHQT ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.

 

11. Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động; phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho đối tượng là người lao động có thu nhập thấp, người dân ở vùng khó khăn. Tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

 

12. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Tiếp tục quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là trong các dịp tết Nguyên đán hàng năm cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

 

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đầu tư các thiết chế công đoàn tại các khu, cụm công nghiệp đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động và kiến nghị việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động.

 

Phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động; kiểm tra, giám sát chuyên đề về quan hệ lao động; vận động công nhân lao động nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

 

Sớm xây dựng hệ thống dữ liệu về công nhân lao động, công đoàn làm cơ sở cho việc nắm bắt, phát hiện, giải quyết và dự báo các biến động về việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động.

 

Tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt về tiền lương của người lao động gắn với năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc phù hợp với quy định của Bộ luật lao động.

 

13. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Có chương trình, kế hoạch, hoạt động tuyên truyền, vận động, khuyến khích người sử dụng lao động chấp hành pháp luật, tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19; nâng cao trách nhiệm xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điêu kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

 

Tăng cường thương lượng, đối thoại giữa các bên tại doanh nghiệp. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc tổ chức các phong trào, hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, công nhân, người lao động.

 

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật mới về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn quản lý;

 

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

 

Triển khai thực hiện tốt công tác thu thập, phân tích thông tin thị trường lao động hằng năm nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối chia sẻ thông tin, tạo việc làm bền vững cho người lao động.

 

Trần Thị Huệ