Thứ hai, Ngày 13/01/2025 -
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh |
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Y Thị Bích Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tại điểm cầu cấp huyện có thành viên BCĐ cấp huyện triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; các phòng, ban, đơn vị có liên quan do UBND dân các huyện, thành phố mời; Tại điểm cầu cấp xã có thành viên BCĐ cấp huyện triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát và các đơn vị có liên quan.
Theo báo cáo tại phiên họp, có 57/63 địa phương đã quyêt định thành lập BCĐ cấp tỉnh; có 06/63 địa phương báo cáo không thành lập BCĐ do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, có 27 địa phương đã ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của BCĐ.
Theo báo cáo của 47/63 địa phương, có 444/539 huyện đã thành lập BCĐ cấp huyện; 02/539 huyện báo cáo không thành lập BCĐ do không còn đối tượng thụ hưởng; còn lại 93/539 huyện trên địa bàn 13/47 địa phương chưa quyết định thành lập BCĐ. Theo báo cáo của 36/63 địa phương, có 5.320/7.084 xã đã thành lập BCĐ cấp xã, có 32/7.084 đơn vị hành chính cấp xã đề xuất không thành lập BCĐ do không có đối tượng thụ hưởngng; còn lại 732/7.084 xã trên địa bản 13/36 tình chưa quyết định thành lập BCĐ.
Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 16 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 06/01/2025, có 50 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai, phát động Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; có 31 địa phương đã tổ chức phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn với kinh phí huy động được trên 2.316 tỷ đồng; 28 địa phương chưa tổ chức phát động.
Về kết quả hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, tính đến ngày 06/01/2025, đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 76.364 căn nhà (trong đó có 42.179 căn nhà đã khánh thành (32.374 căn xây mới, 9.605 căn sửa chữa) và khởi công mới 34.185 căn nhà (26.522 căn xây mới, 7.663 căn sửa chữa).
Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng là 4.472 căn nhà; hỗ trợ nhà ở thuộc 02 Chương trình MTQG là 44.245 căn nhà; hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà đột nát là 27.647 căn nhà.
Về kết quả huy động nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, đến ngày 06/01/2025, có 10 địa phương nhận được hỗ trợ từ 10 đơn vị với tổng kinh phí nhận được là 1.165 tỷ đồng (đạt 33,63% theo phương án phân bổ). Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tính đến ngày 02/01/2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 72,452 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (trong đó, đã bao gồm 62 tỷ đồng các đơn vị đăng ký ủng hộ tại Lễ phát động ngày 13/4/2024).
Về kết quả nổi bật, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ giao tại các văn bản chỉ đạo. Trong đó, Bộ Quốc phòng đã đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà, với số tiền 460 tỷ đồng cho 5 địa phương; đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng 13.120 căn “Nhà Đồng đội” và “Nhà Đại đoàn kết".
Bộ Công an phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán, hỗ trợ hoàn thành khoảng 1.000 căn nhà cho người nghèo tại 14 tỉnh đón tết. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực vận động các tổ chức tín dụng cam kết hỗ trợ bổ sung trên 83,95 tỷ đồng cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các địa phương. Một số địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực cho công tác xóa nhà tạm, nhà đột nát; nhiều địa phương đã đặt mục tiêu toàn thành Chương trình sớm hơn so với mục tiêu chung của cả nước.
Đối với tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 2.752 hộ dân đang ở nhà tạm, nhà dột nát, với tổng nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ là 141,540 tỷ đồng, trong đó nhu cầu xây mới là 2.186 căn/124,648 tỷ đồng và sửa chữa là 566 căn/16,892 tỷ đồng.
Qua rà soát nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương và các nguồn lực của địa phương mới chỉ đảm bảo được 61% tổng nhu cầu kinh phí thực hiện (tổng kinh phí hiện có 86,830 tỷ đồng/141,540 tỷ đồng), hiện tỉnh Kon Tum còn thiếu 54,710 tỷ đồng.
Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tham luận về kết quả đạt được, kinh nghiệm triển khai và đề xuất, kiến nghị giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ ghi nhận và biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra góp phần vào những thành quả bước đầu của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn Ủy Ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, toàn thể Nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp đã chung tay ủng hộ tích cực phong trào.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”. Tập trung triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần: “tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc với tinh thần cao, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm” để chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”.
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng xã hội, tạo ra phong trào, tổ chức triển khai như chiến dịch, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo sự đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các Chương trình MTQG theo quy định, không để trùng lắp đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị BCĐ cấp tỉnh tập trung chỉ đạo cấp ủy, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra trong kế hoạch, huy động nguồn lực, chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện theo thẩm quyền, báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền,..../.
Vũ Huệ
Tin tức liên quan