Thứ hai, Ngày 28/04/2025 -

Kon Tum có tiềm năng, lợi thế lớn phát triển nông - lâm nghiệp
Ngày đăng: 25/02/2022  14:25
Mặc định Cỡ chữ
Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn trên 902.000ha, cùng với điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, nên tỉnh Kon Tum có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong lĩnh vực phát triển nông - lâm nghiệp.

Cà chua được trồng trong nhà màng tại huyện Kon Plông

 

Trong trên 902.000ha đất nông nghiệp, có gần 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm gần 31% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và chiếm 33,11% diện tích đất nông nghiệp); đất lâm nghiệp có rừng gần 602.000ha (chiếm 62,2% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và chiếm 66,71% diện tích đất nông nghiệp), độ che phủ rừng trên 63%; đất nuôi trồng thuỷ sản trên 1.241ha và đất nông nghiệp khác gần 365 ha.

 

Tổng diện tích các cây trồng chính của tỉnh hàng năm đến nay đạt khoảng 188.568 ha. Trong đó, một số cây trồng chủ lực như cà phê 29.176ha, cao su 76.233ha; cây ăn quả 6.375ha, Mắc ca 1.219ha; diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 1.157ha, cây dược liệu khác 2.664 ha; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt khoảng 1,9 triệu con, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 736 ha, sản lượng thủy sản hàng năm ước đạt 7.100 tấn.

 

Theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Giữ tốc độ tăng trưởng bình quân của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 7,21% giai đoạn 2021-2025, chiếm tỷ trọng 19-20% trong cơ cấu kinh tế.

 

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Giữ ổn định diện tích cà phê khoảng 25.000 ha, sản lượng  63.270 tấn, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn; ổn định diện tích cao su khoảng 70.000 ha, sản lượng mủ đạt 105.000 tấn; phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.000 ha. Phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm được 15.000 ha rừng, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 64%. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp...

 

Vườn ươm giống sâm Ngọc Linh của Công ty CP Sâm Ngọc Linh

Kon Tum tại huyện Tu Mơ Rông

 

Đáng chú ý là hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh để phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

 

Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với các yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo điều kiện tự nhiên thuận lợi cho các thảm thực vật nhiệt đới phát triển, nhất là có rất nhiều loại dược liệu quý hiếm được hình thành và phát triển. Đặc biệt, với đỉnh núi Ngọc Linh hùng vĩ có độ cao từ 1.800 đến 2.800m, được xem như là “Nóc nhà của Tây Nguyên”, nơi đây đồng bào Xơ Đăng từ lâu đã biết đến một loại cây mọc tự nhiên dưới tán rừng có dược tính “kỳ lạ” mà người dân đã lan truyền nhau một số câu chuyện thần kỳ về loại cây này. Các già làng thường dùng củ của cây ấy chữa bệnh cho dân làng, để hồi phục sức khỏe khi leo núi hoặc chữa vết thương do bị thú rừng cắn...

 

Cứ thế, các già làng chỉ tiết lộ thông tin về “phương thuốc bí truyền” ấy cho người đáng tin cậy, coi đó như là báu vật của làng. Cái tên “cây thuốc giấu” ra đời từ đó… Mãi sau này, vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20, báu vật tự nhiên ấy mới dần lộ diện. Đó là một loài sâm quý nhất của thế giới (hơn cả sâm Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên), có lợi ích rất tốt cho sức khỏe con người và hiện nay đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm Quốc gia.

 

Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là rau hoa củ quả, thủy sản xứ lạnh và cây dược liệu, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là việc cụ thể hóa Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Trong đó, có quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, đặc biệt là cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuỗi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục tập trung vào phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển nuôi trồng thuỷ sản gắn với khai thác, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Dương Nương