Thứ 5, Ngày 26/12/2024 -
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể trên 95% trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ 02 liều vắc xin phòng COVID-19 (nếu cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ đồng ý và ký cam kết). Đảm bảo an toàn tiêm chủng khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.
Để Kế hoạch đạt được mục tiêu đề ra, các nội dung được triển khai gồm: Điều tra, lập danh sách, chuẩn hóa danh sách: Dựa trên số liệu đã điều tra, tiến hành hoàn thiện danh sách, đảm bảo trẻ phải có đủ thông tin trước khi tiêm chủng (mã định danh, số điện thoại người giám hộ...). Chia nhóm (theo độ tuổi, theo cấp học), cụ thể: Theo nhóm tuổi: Nhóm 1 trẻ đủ 5 tuổi; nhóm 2 từ đủ 6 đến 10 tuổi, nhóm 3 trẻ 11 tuổi đến dưới 12. Đối với trẻ đi học chia theo cấp học: Trẻ mầm non (5 tuổi); cấp Tiểu học (lớp 1 đến lớp 5) và Cấp Trung học cơ sở (lớp 6).
Tiếp nhận, vận chuyển và phân bổ vắc xin: Vắc xin được sử dụng 02 liều cơ bản/đối tượng (theo Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/3/2022 của Bộ Y tế là vắc xin Comirnaty (tên khác Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine); mỗi liều 0,2 ml; dạng hổn dịch đậm đặc pha tiêm; đóng gói mỗi lọ chứa 10 liều.
Tổ chức tiêm chủng: Thực hiện đúng Quyết định số 3588/BYT-DP ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tổ chức tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Đảm bảo an toàn tiêm chủng: Thực hiện khám sàng lọc chủ động: (1) Khi lập danh sách tại cơ sở; (2) phát phiếu khám sàng lọc, phiếu đồng thuận của bố/mẹ/người giám hộ trước cho đối tượng được tiêm; (3) tại bàn khám sàng lọc do bác sỹ khám ...để phân loại ra chỉ định phù hợp, đảm bảo an toàn cao nhất cho người được tiêm. Các Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện tổ chức các đội cấp cứu tại điểm tiêm của đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng tuyến xã, đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng. Đồng thời, dự phòng cơ số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống tối thiểu 05 giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng trong thời gian triển khai tiêm chủng.
Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng: Sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch. Thành lập tổ báo cáo và thực hiện nhập liệu ngay sau mỗi lượt tiêm lên Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo các đối tượng đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 tra cứu được lịch sử tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn/ https://tiemchungcovid19.gov.vn
Công tác truyền thông: Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi sau tiêm, kế hoạch triển khai tiêm. Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.
Theo dõi, giám sát và báo cáo: Các hoạt động kiểm tra, giám sát điểm tiêm chủng và giám sát chất lượng vắc xin được thực hiện trước, trong và sau khi triển khai tiêm chủng nhằm hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng, an toàn và đúng tiến độ. Các cơ sở tiêm chủng thực hiện báo cáo kịp thời, đúng theo quy định, sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế để thực hiện báo cáo.
Thời gian tiêm vắc xin dự kiến từ tháng 3/2022, theo tiến độ cung ứng vắc xin từ Bộ Y tế. Đối với trẻ đang đi học: Tổ chức tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm phù hợp đủ điều kiện theo quy định do địa phương lựa chọn. Đối với trẻ không đi học: Tổ chức tiêm tại cộng đồng (trạm y tế, điểm tiêm ngoại trạm…). Trẻ có bệnh lý nền hoặc đang điều trị nội trú tại các bệnh viện: Tổ chức tiêm tại nơi đang điều trị hoặc điểm tiêm tuyến huyện, tỉnh.
Tuấn Tài – Phan Phượng
Tin tức liên quan