Chủ nhật, Ngày 13/10/2024 -

Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng vật tư y tế
Ngày đăng: 07/05/2022  14:15
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 06/5/2022, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1331/UBND-KTTH về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 và dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu:

Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn quản lý, tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác nắm tình hình trên tất cả các tuyến, địa bàn, tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, kịp thời ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế và các loại thuốc phòng, chống dịch Covid-19 nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh (nếu có). Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, làm tốt công tác tổ chức cán bộ, không để cán bộ tiếp tay móc nối, bảo kê cho mọi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan: Tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện, thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người trên địa bàn tỉnh.

 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá bất hợp lý đối với thuốc, vật tư y tế, kít xét nghiệm Covid-19; đồng thời, chủ động theo dõi, giám sát biến động giá các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 để có biện pháp quản lý, bình ổn giá theo quy định.

 

Nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động công tác kiểm nghiệm Nhà nước, các cơ sở kiểm tra chất lượng, đặc biệt là nhóm mặt hàng điều chỉnh của Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cả về đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trang thiết bị và nguồn kinh phí được bố trí; chủ động đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, phát hiện xử lý kịp thời các sai phạm (nếu có).

 

Phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng, đặc biệt các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, kịp thời đưa ra các khuyến cáo, dấu hiệu nhận biết đối với mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Thường xuyên cập nhập danh sách các tổ chức, cá nhân, sản phẩm vi phạm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của ngành y tế.

 

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống thuốc giả với các nước có chung đường biên giới, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Tham gia các Dự án, tổ chức hoạt động trong khu vực (chia sẻ thông tin) liên quan đến phòng chống thuốc giả.

 

Giao Sở Công Thương (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn này; định kỳ (hoặc đột xuất theo yêu cầu) tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh theo quy định./.

 

Vũ Huệ - Tấn Danh