Thứ 5, Ngày 28/03/2024 -

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp làm việc với UBND huyện Kon Plông
Ngày đăng: 14/06/2022  22:13
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 14/6, Đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường Chi cục Kiểm lâm đã có buổi làm việc với huyện Kon Plông về công tác trồng rừng, trồng dược liệu và công tác bồi thường, tái định cư thủy điện Đăk Đrinh.
Quang cảnh buổi làm việc

 

Báo cáo tại buổi làm việc, UBND huyện Kon Plông cho biết diện tích cây dược liệu trồng mới năm 2022 theo kế hoạch là 400 ha trong đó chủ yếu trồng các loại cây Đảng Sâm, Đương quy, Xạ đen, Sả Java, Độc hoạt, Giảo cổ lam,…Hiện nay các cơ sở ươm tạo cây giống đang tiến hành ươm giống để cung ứng giống cây dược liệu cho các Doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn huyện; đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo các đơn vị chủ rừng thực hiện việc khoanh nuôi, bảo vệ và bảo tồn, tiến hành trồng mới cây dược liệu trên diện tích quản lý. Diện tích cây dược liệu đã thực hiện trồng đến nay là 850,6/1.151,6 ha, đạt 73,9% KH, trong đó diện tích trồng mới trên địa bàn các xã năm 2022 là 99/400 ha, đạt 24,8% KH trồng mới. Hiện nay trên địa bàn các xã người dân đang tiếp tục chuẩn bị đất để sản xuất.

 

Về công tác trồng rừng trong năm 2021, các chủ rừng, UBND các xã, trấn đã thực hiện khoanh nuôi phục hồi 592,61 ha/600 ha rừng, đạt 98,8%, trong đó Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông thực hiện 492,61 ha/500 ha; Ban quản quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham thực hiện 100 ha/100ha. Thực hiện trồng 323,3 ha/300 ha rừng, đạt 107,8% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 được UBND tỉnh giao, trong đó: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông thực hiện 61,37 ha/50 ha, đạt 121,7% chỉ tiêu UBND tỉnh giao; UBND các xã, thị trấn thực hiện 261,93 ha/250 ha, đạt 104,8% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Nhìn chung đa số diện tích trồng rừng tại các xã trên địa bàn huyện cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt từ 80 đến 90%.

 

Năm 2022 chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng trên địa bàn huyện thực hiện trồng rừng tập trung là 318 ha, trong đó, UBND các xã, thị trấn thực hiện 258 ha; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông thực hiện 50 ha; Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham thực hiện 10 ha; loài cây trồng gồm: Thông ba lá, Giổi xanh, Sưa, Keo lai, Sơn Tra, Bạch đàn cự vỹ,…. UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng đã chủ động liên hệ, đặt hàng với các đơn vị cung ứng và chủ động gieo ươm cây giống phục vụ trồng rừng năm 2022; các đơn vị sử dụng tiền DVMTR để triển khai trồng rừng năm 2022; ngoài ra UBND huyện phân bổ nguồn tăng thu ngân sách cấp huyện năm 2021 cho UBND các xã, thị trấn thực hiện Dự án trồng rừng năm 2022 với số tiền 1,1 tỷ đồng.

 

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định canh, định cư dự án thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Kon Plông được thực hiện đúng theo quy trình, quy định của Nhà nước. Để thực hiện giải quyết những vấn đề phát sinh trên thực tế, tạo sự đồng thuận của người dân bị ảnh hưởng và tiến độ tích nước, phát điện của dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ ngoài việc thực hiện các quy định của Chính phủ còn thực hiện theo Công văn số 1852/UBND-KTN ngày 12/10/2012 của UBND tỉnh Kon Tum về việc điều chỉnh, bổ sung phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình thủy điện Đăk Đrinh làm tăng thêm chi phí về bồi thường, hỗ trợ là 33,286 tỷ đồng. Trong đó, bồi thường đất trong phạm vi lòng hồ (đất lúa nước, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm...) là 7,66 tỷ đồng; hỗ trợ ổn định đời sống (hỗ trợ gạo) với chi phí 15,448 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân với chi phí hỗ trợ 2,443 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang đất lúa nước (0,2 ha/hộ) với chi phí hỗ trợ tăng thêm là 5,122 tỷ đồng; hỗ trợ 2,611 tỷ đồng khai hoang đất nương rẫy (1 ha/hộ). Tuy nhiên, hiện nay công tác bồi thường tại thủy điện Đăk Đrinh vẫn chưa được chủ đầu tư triển khai thực hiện dứt điểm; công tác bàn giao tuyến đường giao thông chưa hoàn thành, vì vậy, gây khó khăn cho nhân dân.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp

phát biểu kết luận tại buổi làm việc

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đề nghị địa phương và các đơn vị tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác bồi thường, tái định canh, định cư và giải quyết thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi cho người dân ở khu vực thủy điện Đăk Đrinh yên tâm ổn định sản xuất và đời sống. Đối với công tác trồng rừng, đồng chí Phó Chủ tịch đề nghị địa phương quan tâm hơn nữa việc triển khai trồng rừng đảm bảo đạt chỉ tiêu Kế hoạch đề ra; trong đó chú trọng đến khâu kỹ thuật, làm đất, chăm sóc cây sau khi trồng để công tác trồng rừng đạt hiệu quả cao; đối với công tác trồng cây dược liệu địa phương cần xác định được chủng loại của các loài dược liệu đặc trưng như Hồng đảng sâm, Sả Java để trồng và phát triển; hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho bà con; đồng thời, triển khai các chuỗi liên kết giữa Doanh nghiệp, Hợp tác xã với người dân để phát triển cây dược liệu; tuyên truyền, vận động Nhân dân vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư trồng dược liệu...

 

 

Trước đó, buổi sáng Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế một số mô hình trồng rừng tại xã Đăk Tăng, thăm vườn trồng cây dược liệu tại xã Măng Cành; Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu tại xã Đăk Long.

 

Minh Huệ