Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Kết quả 10 năm triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đăk Hà
Ngày đăng: 26/06/2022  09:20
Mặc định Cỡ chữ
Đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Sau khi có Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” của Ban Bí thư Trung ương Đảng, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Huyện ủy; UBND huyện Đăk Hà đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia thực hiện tốt công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại địa phương. Ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.

 

UBND huyện đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chương trình số 62 -CTr/HU, ngày 12/5/2013 về thực hiện Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 16/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; Chương trình số 32-CTr/HU, ngày 18/10/2016 của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 01/6/2016 của Tỉnh ủy "về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025"; Uỷ ban nhân dân huyện đã xây dựng Chương trình số 30/CTr-UBND, ngày 28/6/2013 về thực hiện Kế hoạch số 43-KH/TU, ngày 16/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; Thành lập Tổ triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện Đăk Hà và thường xuyên củng cố, kiện toàn(1). Chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm và 5 năm(2). Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện và triển thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện trên các mặt:

 

Công tác tuyên truyền về dạy nghề cho lao động nông thôn

 

Công tác tuyên truyền luôn được các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng và tăng cường chỉ đạo thông qua nhiều hình thức và nội dung sát thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm.

 

Trung tâm Giáo dục dạy nghề - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động và tham gia tư vấn học nghề, tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên.

 

Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Từ đó, thu hút được số đông lao động nông thôn tham gia các lớp dạy nghề do Trung tâm GDNN-GDTX huyện và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh phối hợp tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 

Đổi mới hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn

 

Sắp xếp hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Hà được thành lập theo Quyết định số 584/QĐ-UBND, ngày 08/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Dạy nghề trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Hà là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện và hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục và các quy định có liên quan khác của pháp luật hiện hành. Cơ cấu ngành nghề: Trên địa bàn huyện chủ yếu thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Danh mục nghề đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là nghề nông nghiệp, các học viên sau khi tốt nghiệp chủ yếu tự tạo việc làm trên chính những tư liệu sản xuất hiện có của mình, góp phần năng tăng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

 

Kiện toàn tổ chức, nhân sự thực hiện dạy nghề: Sau khi Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Hà được thành lập, nhân sự Trung tâm GDNN-GDTX huyện cơ cấu có 01 Giám đốc, 02 Phó Giám đốc (trong đó 01 Phó Giám đốc phụ trách lĩnh vực dạy nghề), 13 giáo viên dạy nghề (trình độ chuyên môn dạy nghề: Đại học: 04; Cao đẳng: 03; Trung cấp: 05; chưa đạt chuẩn:1), trong đó 13 giáo viên hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Số giáo viên có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc III nghề Trồng và chăm sóc cà phê: 06 người. Ngoài ra khi mở các lớp đào tào nghề cho lao động nông thôn tại các xã, Trung tâm sẽ hợp đồng với các giáo viên ở các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, người dạy nghề có kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tham gia giảng dạy để đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn.

 

Công tác tư vấn, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề: Công tác tư vấn, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện luôn được chú trọng. Hiện nay trên địa bàn huyện có tổng dân số 82.756 người. Trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên 61.843 người (có cả học sinh, sinh viên). Nhằm đáp ứng với nhu cầu học của người dân và để phát huy các ngành nghề học thế mạnh của địa phương. Hằng năm, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, ban ngành, phối hợp với các đoàn thể triển khai việc khảo sát và tư vấn, dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn vào dịp cuối năm, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đào tạo nghề vào năm kế tiếp. Trong những năm qua đã thực hiện tư vấn, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề trên 51.000 lượt người tham gia. Trong đó, lao động có nhu cầu học nghề là 21.942 người; giai đoạn 2011-2020 đã triển khai đào tạo nghề cho 4.808 lượt lao động tham gia học nghề; các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp như : Trồng và chăm sóc cà phê vối; Cạo mủ cao su; Trồng lúa; trồng cây ăn trái; trồng cây luồng, trồng nấm sò, nấm linh chi...; về chăn nuôi gồm: nuôi và chăm sóc trâu, bò, dê, thỏ và nuôi heo thịt, heo sinh sản và các nghề phi nông nghiệp: vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp; sữa chữa điện dân dụng; nghề nề, nề hoàn thiện, nghề hàn điện....

 

Giai đoạn 2021-2025, đã tổ chức khảo sát và tư vấn cho hơn 5.000 lượt lao động. Trong đó, số người có nhu cầu học nghề là 1.860 người, chủ yếu học nghề nông nghiệp gồm các nghề: Trồng, chăm sóc cây mắc ca 150 người; Chăm sóc cà phê vối 200 người; Trồng cây ăn quả (sầu riêng, chanh dây, chuối tiêu hồng) 90 người; Trồng rau an toàn 100 người; Cạo mủ cao su 50 người; Trồng nấm 200 người; Trồng rừng (cây keo, cây dổi, cây thông) 170 người; chăn Nuôi và phòng trị cho trâu bò 200 người; Nuôi phòng trị bệnh cho dê, thỏ 100 người; Nuôi heo rừng lai 100 người. Nghề phi nông nghiệp gồm nghề Hàn 150 người; Nề hoàn thiện 150 người; Vận hành máy kéo nông nghiệp 150 người; Vận hành sữa chữa máy nông nghiệp 100 người; Điện dân dụng 100 người.

 

Kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghềPhòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã bố trí 01 công chức kiêm nhiệm công tác dạy nghề; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí 01 công chức kiêm nhiệm công tác dạy nghề để tham mưu triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Số cán bộ theo dõi công tác dạy nghề lao động nông thôn ở cấp xã hiện nay là 11/11 xã, thị trấn (do công chức Văn hóa - Xã hội kiêm nhiệm).

 

Đổi mới chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn: UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện thường xuyên đổi mới chương trình dạy, giáo trình đào tạo, "chuẩn đầu ra"; chương trình theo khung chương trình của giáo dục nghề nghiệp, giáo trình theo giáo trình chung và chương trình chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Để chủ động trong công tác lập nội dung chương trình dạy nghề, Trung tâm GDNN - GDTX đã chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh để tham khảo các tài liệu, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn để nghiên cứu, học hỏi; đồng thời khai thác thêm các kiến thức thiết thực trên các tài liệu khác như: sách tham khảo, các trang mạng chuyên đề, thông tin đại chúng…Từ những kiến thức tổng hợp trên, Trung tâm đã biên soạn nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trở thành giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn huyện. Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã tổ chức xây dựng 23 bộ chương trình, tài liệu đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc  xây  dựng,  phê  duyệt  danh  mục  nghề  đào  tạo  và  chất  lượng  chương trình, giáo trình dạy nghề đã có sự phù hợp về nội dung và thời gian đào tạo, thường xuyên cập nhật những nội dung, chương trình mới để bám sát với nhu cầu thị trường và nhu cầu của người học, để dạy nghề cho lao động nông thôn luôn gắn chặt với thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới hội nhập và phát triển.

 

Xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ dạy nghề cho lao động nông thôn: Trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm GDNN-GDTX huyện làm công tác tổ chức đào tạo nghề và liên kết đào tạo nghề theo quy định; Trung tâm gồm có 01 cơ sở: với tổng diện tích hơn 69.000m2 gồm có:

 

Số phòng học lý thuyết: 10 phòng; có diện tích 956.68 m2.

 

Số xưởng thực hành 3 xưởng, có diện tích 1.800m2.

 

Nhà nội trú cho học viên là 12 phòng, có diện tích 502.74 m2.

 

Nhà làm việc 7 phòng, có diện tích 540.34 m2.

 

Nhà ăn + bếp 3 phòng, có diện tích 205.7 m2.

 

Nhà đa năng có diện tích 740.16 m2.

 

Nhà để xe 2 bánh có diện tích 205.7 m2.

 

Nhà vệ sinh chung có diện tích 50 m2.

 

Sân đường nội bộ có diện tích 4.000 m2.

 

Khối rèn luyện thể dục-thể thao, có diện tích 5.724 m2.

 

Sân đường nội bộ, tổng diện tích 4.000 m2.

 

CSCV thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề.

 

Từ năm 2012 đến nay, Thường xuyên chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Trung tâm GDNN-GDTX tiếp nhận và đầu tư, bảo dưỡng trang thiết bị đào tạo nghề lao động nông thôn từ nguồn ngân sách Nhà nước được cấp bao gồm như sau: Tiếp nhận trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề trình độ sơ cấp từ các đơn vị trong tỉnh chuyển giao cho Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Hà quản lý sử dụng là 02 bộ thiết bị và 98 loại thiết bị riêng lẻ(4); Trang thiết bị được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ cho công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp từ năm 2008 đến nay do Trung tâm quản lý và sử dụng phục vụ cho công tác đào tạo nghề là 04 bộ loại thiết bị, 02 hệ thống thiết bị và 27 thiết bị riêng lẻ(5).

 

Trung tâm GDNN-GDTX huyện (trước đây là Trung tâm Dạy nghề huyện) đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang với khu nhà hiệu bộ, khu nhà đa năng, khu ký túc xá, xưởng thực hành, phòng học lý thuyết; được đầu tư một số trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Hàng năm, Trung tâm GDNN-GDTX huyện thực hiện việc bảo dưỡng các máy móc, thiết bị theo định kỳ.

 

Thiết bị, đồ dùng phục vụ cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Tuy nhiên, có một số thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề được điều chuyển từ các đơn vị trước đây (Trung tâm Dạy nghề Đăk Tô, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen, Trường Trung cấp nghề Kon Tum). Do vậy, có một số thiết bị không phù hợp với loại hình đào tạo cho lao động nông thôn như: thiết bị xưởng mộc, thiết bị nghề thú y, thiết bị xưởng gỗ, thiết bị nghề may.

 

Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn

 

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần cải thiện đời sống khu vực nông thôn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện xác định nhóm giải pháp chủ yếu là giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Tập trung phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và sản lượng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế đồi, rừng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tập trung để chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và dịch vụ.

 

Trong hơn 10 năm qua (từ năm 2011 - 2021), huyện đã tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn được 166 lớp nghề với 4.465 lao động nông thôn được cấp giấy chứng nhận học nghề từ các các lớp dạy nghề dưới 3 tháng (lớp dạy nghề nông nghiệp: 124 lớp, phi nông nghiệp: 42 lớp).

 

Các đối tượng học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu việc làm (chiếm trên 95%), các ngành nghề chủ yếu là nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, rất ít nghề phi nông nghiệp; người lao động tham gia các lớp dạy nghề 100% học viên đều được hỗ trợ tiền học theo chính sách của Đề án 1956; người lao động nông thôn được đào tạo nâng cao tay nghề với các nghề chính như: trồng nấm ăn, trồng rừng kinh tế, chăn nuôi gà, lợn, bò, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật chế biến món ăn, trang điểm, làm đẹp…

 

Hình thức đào tạo nghề được đa dạng hoá, đào tạo tập trung tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện; đào tạo lưu động tại các thôn, làng

 

Các lớp đào tạo nghề theo đó đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của LĐNT đối với hoạt động đào tạo nghề. Các lớp học được các giáo viên có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và giải đáp những vướng mắc của học viên; đồng thời việc đào tạo nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ…

 

Nguồn lực thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn

 

Về nguồn vốn dạy nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là nguồn vốn theo Đề án 1956. Số kinh phí chi cho công tác dạy nghề thông qua Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức dạy nghề: Tổng kinh phí thực hiện: 9.224.074.300 đồng.

 

Kinh phí chi cho công tác dạy nghề đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; kinh phí hỗ trợ cho LĐNT học nghề đảm bảo định mức; không gây thất thoát, lãng phí, chi đúng đối tượng.

 

Về  đội  ngũ  giáo  viên, người dạy nghề: 100% đội ngũ giáo viên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Ngoài ra, 100% số giáo viên dạy nghề và người có liên kết với Trung tâm dạy nghề huyện đều được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng dạy nghề cho lao động nông thôn. Nhìn chung đội ngũ giáo viên thỉnh giảng đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

 

Về địa điểm tổ chức các lớp dạy nghề: Hầu hết các lớp được tổ chức tại Nhà văn hoá các thôn nên rất thuận tiện cho LĐNT tham gia học theo kế hoạch, lịch học đã định. Có nhiều lớp học linh động tổ chức lịch học cả buổi tối đề tạo điều kiện cho LĐNT vừa tham gia học nghề vừa có thể hoạt động sản xuất đảm bảo kịp thời vụ.

 

Việc xã hội hoá về nguồn vốn dạy nghề tuy đã được triển khai, nhưng thực hiện còn hạn chế.

 

Có thể nói, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là quần chúng nhân dân về đào tạo nghề có chuyển biến tích cực. Từ chỗ người dân học theo phong trào, học chỉ để cho biết, đã chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất thu nhập cao hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Số người có nhu cầu và đăng ký học nghề tăng qua các năm. Số lao động nông thôn học xong có việc làm đạt trên 74% (chỉ tiêu đặt ra là 70%). Một số lao động có tay nghề đã được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất,… Từ đó nâng cao thu nhập cho bản thân, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn. Công tác dạy nghề cho LĐNT đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ năm 2011 là 16% đến năm 2021 đạt 35% giúp chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn, phục vụ tích cực cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.

 

Trịnh Minh