Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Quyết định phê duyệt Đề án “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 28/07/2022  16:59
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 27/7/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 465/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh áp dụng đối với 09 nghề nghề truyền thống: (1) Dệt thổ cẩm, (2) đan lát, (3) làm rượu cần, (4) chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, (5) rèn, (6) gốm, (7) tạc tượng, (8) đẽo thuyền độc mộc, (9) làm nỏ của các DTTS tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê (Hre).

 

Cụ thể đến năm 2025: Tiếp tục xây dựng và phát triển các điểm trưng bày, giới thiệu, ký gửi sản phẩm nghề truyền thống, gắn với các điểm tham quan du lịch tại thành phố Kon Tum, huyện Kon Plông và một số nơi có điều kiện; phát triển một số sản phẩm nghề truyền thống đạt các tiêu chuẩn OCOP và từng bước có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng từ 01 đến 02 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống, gắn với hình ảnh văn hóa - du lịch đặc trưng của tỉnh. Hằng năm tổ chức 15-20 lớp dạy nghề cộng đồng tại thôn (làng), đảm bảo 07 dân tộc thiểu số tại chỗ đều có lực lượng thành thạo tay nghề và duy trì sản xuất nghề truyền thống, nhất là thanh niên, lao động trẻ trên địa bàn.

 

Định hướng đến năm 2030: Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp từ truyền dạy, phát triển nguồn nguyên liệu đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu ít nhất 05% số người tham gia làm nghề truyền thống thu nhập ổn định, đảm bảo được đời sống vật chất và tinh thần. Xây dựng hạ tầng, không gian hoạt động nghề truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển mạnh từ 02 đến 03 thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống của tỉnh.

 

Đề án đưa ra 2 nội dung, nhiệm vụ gồm: Khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh và Phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh với 7 giải pháp thực hiện: (1) Giải pháp về tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo và khen thưởng; (2) Giải pháp về cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống; (3) Giải pháp về xác định nghề để khôi phục bảo tồn và định hướng phát huy giá trị nghề truyền thống; (4) Giải pháp về vùng nguyên liệu; (5) Giải pháp về ứng dụng khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghề truyền thống; (6) Giải pháp về phát huy giá trị nghề truyền thống gắn với du lịch; (7) Giải pháp về kiểm tra, giám sát và đánh giá.

 

UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp thực hiện Đề án.

 

Trần Huệ