Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”
Ngày đăng: 11/08/2022  17:48
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững".

Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; Hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.

 

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự và chủ trì Hội nghị; cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và đại diện các doanh nghiệp (DN) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

 

Quang cảnh đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tình hình KT-XH của đất nước sau đại dịch COVID-19 cơ bản được ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, giữ vững được ổn định chính trị, trật tự ATXH. Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân đân trong đó có vai trò đóng góp của các DN.

 

Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng DN, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp góp phần phát triển KT-XH nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển DN đúng hướng, lành mạnh, bền vững.

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các bộ ngành, địa phương đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thích ứng bối cảnh mới; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách và những tồn tại yếu kém, điểm nghẽn đang cản trở hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, từ đó hỗ trợ tích cực cho DN phuc hồi, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

 

Trong 07 tháng đầu năm 2022, kinh tế xã hội Việt Nam phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc; ngành hàng không, du lịch đạt mức tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu cao của khách nội địa và chính sách mở cửa cho khách quốc tế từ ngày 15/3/2022; ngành xây dựng phục hồi tích cực; các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may có mức tăng trưởng khá, đóng góp vào tăng trưởng xuất nhập khẩu nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung… Tuy nhiên, hiện nay khu vực DN tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn cung và cầu do tác động bởi dịch COVID-19, xung đột quân sự Nga - Ucraina diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao; thiếu hụt lao động; lạm phát cao ở nhiều quốc gia trên thế giới…

 

Tại Hội nghị, đại diện các DN đã báo cáo, trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giúp DN phát triển; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan trung ương đã trao đổi, giải đáp các kiến nghị của DN thuộc lĩnh vực phụ trách và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN.

 

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị; đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo và Nghị quyết của Chính phủ.

 

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng DN thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn, mất mát và hy sinh của các DN trong 02 năm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua; Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ sự vui mừng và chúc mừng các DN đã đạt được nhiều kết quả trong quá trình phục hồi và phát triển; kêu gọi cộng đồng DN tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn để đạt các mục tiêu đề ra; kêu gọi cộng đồng DN tiếp tục phát huy truyền thống, "đồng cam cộng khổ" cùng đất nước và nhân dân.

 

Thủ tướng Chính phủ khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN. Trong đó, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các DN yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, CCHC mạnh mẽ thông qua chuyển đổi số quốc gia; giữ vững ổn định chính trị, TTATXH; các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của DN, đồng thời có kế hoạch giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp DN định hướng thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh.

 

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đối với các Bộ, ngành và địa phương Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: (1) Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để, thúc đẩy giải ngân đầu tư công để khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; (2) Tiếp tục hỗ trợ giảm chi phi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; (3) Hỗ trợ khắc đứt gãy nguồn cung, mở rộng tìm kiếm đơn hàng, đa dạng hóa thị trường; (4) Đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo kỹ năng người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thiếu hụt thị trường.

 

Nhiệm vụ, giải pháp có tính dài hạn: (1) Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững; (2) Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; (3) Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; (4) Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

 

Đối với cộng đồng DN, hiệp hội DN, Thủ tướng đề nghị các tổ chức hiệp hội DN cần phát huy vai trò trong hỗ trợ DN thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các DN cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay, thích ứng với giai đoạn mới.

 

Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị DN; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa DN, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của DN, cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển kinh tế đất nước.

 

Thủ tướng đề nghị cộng đồng DN, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn. Mỗi doanh nhân, mỗi DN hãy là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ sớm giành được chiến thắng trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển bền vững./. 

 

Vũ Huệ