Thứ sáu, Ngày 22/11/2024 -
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 11.510 tỷ đồng, tăng 9,43% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nông - Lâm - Thủy sản tăng 5,93%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 13,94%; Dịch vụ tăng 7,86%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,07%.
Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm ước khoảng 2.930 tỷ đồng, đạt 73,25% dự toán địa phương giao và bằng 139,49% so với cùng kỳ. Công tác thu hồi nợ đọng thuế được chỉ đạo triển khai tích cực.
Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì ổn định, tăng so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 16.845 tỷ đồng, đạt 73,24% kế hoạch và tăng 18,32% so với cùng kỳ. Công tác phân bổ và đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được chỉ đạo triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả.
Tính đến ngày 31/8/2022, tổng kế hoạch vốn năm 2022 đã giải ngân 1.226,629 tỷ đồng đạt 55% kế hoạch so với trung ương giao, đạt 50% trên thực nguồn kế hoạch địa phương giao đến tại thời điểm báo cáo. Ước thực hiện 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân đạt khoảng trên 60% tổng số kế hoạch Trung ương giao.
Ngành du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đã tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch Kon Tum “Tiềm năng và Triển vọng” và Hội nghị “bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022”, gây ấn tượng trong lòng du khách. Trong 9 tháng đầu năm 2022, thu hút 950.000 lượt khách, đạt 105,56% kế hoạch và tăng hơn gấp 05 lần so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu đạt khoảng 248 tỷ đồng, đạt 99,2% kế hoạch và hơn gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được chú trọng. Đã tổ chức xây dựng và chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đầu năm đến nay, đã thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.655,6 tỷ đồng, đã thu hút một số nhà đầu tư, tập đoàn có tiềm lực như: Sun Group, Hùng Nhơn, Công ty CP Him Lam, Nutifood, ... đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản được duy trì và chiều hướng tăng trưởng trở lại sau đại dịch Covid-19. Trong 09 tháng đầu năm 2022, có khoảng 280 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 5.579 tỷ đồng (đạt 102,18% kế hoạch và tăng 95,43% so với cùng kỳ năm trước).
Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 36 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 22 xã cơ bản đạt chuẩn từ 15 đến 17 tiêu chí, 26 xã đạt chuẩn từ 10 đến 14 tiêu chí, 01 xã đạt chuẩn 8 tiêu chí, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/ xã là 16,14 tiêu chí. Đã có 07 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 19 thôn tại các huyện biên giới đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo bộ tiêu chí.
Nhân dân thôn Kon Hring, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum tham gia làm đường nông thôn mới |
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được duy trì thực hiện; trong 9 tháng đầu năm tỉnh đã tổ chức 01 đợt đánh giá công nhận sản phẩm và đã công nhận thêm 09 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh đựợc công nhận từ 3 sao trở lên là 157 sản phẩm.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo được sắp xếp cơ bản hợp lý. Công tác xóa bỏ phòng học tạm, mượn trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, từ đầu năm đến nay đã xóa được 52 phòng học tạm. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được chú trọng, đến nay toàn tỉnh có 186 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 97,49% (trong đó tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đối với học sinh dân tộc thiểu số là 94,82%).
Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số được cải thiện. Tỷ lệ huy động học sinh các cấp trong độ tuổi cơ bản hàng năm tăng; năm học 2022-2023 có 166.620 học sinh ra lớp, đạt 99,59% kế hoạch. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề ước năm 2022 khoảng 15,5%, đạt 77,5% kế hoạch. Công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện theo đúng lộ trình.
Công tác đào tạo nghề tiếp tục được duy trì; công tác kiểm tra, quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ. Đến nay, tổng số lao động được tạo việc làm là 6.858/5.800, đạt 118,2% kế hoạch năm. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động đạt khoảng 18,96%, đạt 96,98% kế hoạch và bằng 108,4% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 11,81%, đạt 99,92% kế hoạch và bằng 102,34% so với cùng kỳ năm trước.
Công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 được triển khai tích cực theo hướng dẫn của Trung ương, trong đó chủ động bám sát tình hình dịch trong nước và thực tiễn địa bàn để ứng phó kịp thời với diễn biến dịch.
Bên cạnh đó, hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được đẩy mạnh và đạt tỷ lệ tương đối cao; tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, được kiểm soát tốt; cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo./.
Vũ Huệ
Tin tức liên quan