Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Họp rà soát công tác ứng phó với bão số 4
Ngày đăng: 28/09/2022  07:35
Mặc định Cỡ chữ
Tối 27/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với 8 tỉnh miền Trung, Bắc Tây nguyên về rà soát công tác ứng phó bão số 4. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng Chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy Phòng Chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.

 

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu tỉnh

 

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong tâm bão như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Kon Tum đã báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng về công tác chuẩn bị ứng phó, công tác tổ chức di dời người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; việc triển khai các biện pháp ứng cứu, bảo vệ công trình, hồ đập; phương án chuẩn bị lương thực thực phẩm, hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn…trước khi bão đổ bộ vào đất liền. 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn báo cáo tại cuộc họp

 

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cho biết, đến thời điểm hiện tại các địa phương, đơn vị đã chủ động thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu chuẩn bị ứng phó với mưa bão, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh thành lập 03 Đoàn kiểm tra tại các khu vực trọng điểm, xung yếu các huyện, thành phố như: huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy ...tổ chức rà soát các điểm dân cư, ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ sạt lở đất, các ngầm, tràn bị xói sâu nguy hiểm, công trình xung yếu có khả năng bị sạt lở để có phương án di dời, gia cố công trình an toàn; đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm và các điểm bị sạt lở tại một số khu vực xung yếu để Nhân dân biết chủ động phòng tránh.

 

Tỉnh đã chỉ đạo đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết, cấp bách để chỉ đạo triển khai chống bão số 4; phân công từng đồng chí lãnh đạo xuống địa bàn trọng điểm ứng trực để chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản thống nhất cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9 để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Các huyện, thành phố và đơn vị liên quan đang tiếp tục kiểm tra, rà soát để có phương án di dời dân ở những nơi có nguy cơ cao sạt lở đến nơi an toàn để phòng tránh, ứng phó với với bão số 4 gây ra. Tiếp tục chỉ đạo các bộ phận trực ban 24/24 giờ, nắm chắc tình hình diễn biến bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm bảo đảm an toàn về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra…

 

Đến nay, các huyện, thành phố và đơn vị liên quan trên địa bàn đã tiến hành, kiểm tra rà soát và đã xác định được hơn 613 hộ, với 2425 khẩu nằm trong những nơi có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét và đã di dời hơn 500 hộ, 1834 khẩu đến nơi an toàn. 

 

Trước những diễn biến phức tạp của bão số  4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận định, bão lần này rất lớn và mang nhiều bất lợi, vừa gió mạnh, sóng biển, vừa thủy triều, mưa lớn nên cần có biện pháp cụ thể, ứng phó phù hợp. Các địa phương cần tập trung cao độ, huy động tất cả các lực lượng vào cuộc ứng phó bão với tinh thần khẩn trương tất cả không vì tài sản mà ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát đồng bộ người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, các khu vực tàu thuyền đang đậu, lồng bè thủy sản...; chỉ đạo các lực lượng biên phòng, công an, chính quyền địa phương rà soát.

 

Với tình hình bão cấp 14, giật cấp 17, các địa phương chú ý phải để người dân yên tâm thì phải có lực lượng bảo vệ tài sản cho người dân. Công an, địa phương bảo quản tài sản khu dân cư đã đi sơ tán. Các khu dân cư trong lúc bão đến bị tốc mái, sập đổ nhà thì ngoài ứng cứu phải quản lý tài sản cho người dân, tránh mất tài sản… Các công trình quan trọng như hồ đập, bệnh viện, đê điều, hệ thống điện… phải có ứng trực kịp thời; có ứng trực thường xuyên các khu vực trọng yếu ở những hồ đập, trường hợp mất điện phải có giải pháp ngay…

 

Lực lượng chức năng không chỉ bảo vệ tính mạng người dân mà cũng phải bảo vệ tính mạng của mình khi tham gia chống bão. Các địa phương cần xác định địa điểm trọng tâm, trọng điểm để có lực lượng ứng phó. Phó Thủ tướng nhấn mạnh với tinh thần ứng phó "hết sức không được chủ quan", tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

Minh Huệ