Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Chương trình thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Ngày đăng: 13/10/2022  14:04
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 10/10/2022, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Chương trình số 42-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó:

 

Mục tiêu chung đến năm 2030: Nâng cao trình độ, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân và cư dân nông thôn. Phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hoá.

 

Về các mục tiêu cụ thể: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm, chiếm khoảng 19-20% trong cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các ngành khác, giảm cơ cấu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản xuống dưới 56%; bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 3.700 lao động nông thôn.

 

Phấn đấu đến năm 2030, có trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); có 07 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (trong đó có 10% số đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; Tỉ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97,5%.

 

Ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở 64%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%.

 

Về tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

 

Nông nghiệp của tỉnh trở thành ngành kinh tế kỹ thuật gắn với công nghiệp chế biến hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu nâng tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tăng cao hơn 30%, trong đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đạt 30-35% giá trị sản phẩm nông nghiệp chung của tỉnh; giữ ổn định độ che phủ rừng của tỉnh đạt 64%.

 

Chương trình đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết 19-Q/TW của BCH Trung ương Đảng, Kế hoạch số 09-KH/TW của Bộ Chính trị và Chương trình này.

 

Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

 

Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá.

 

Tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

 

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

 

Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn...

 

Thái Ninh