Thứ sáu, Ngày 27/12/2024 -

Một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2023
Ngày đăng: 14/07/2023  08:57
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 11/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2023.

 

Theo đó, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2023, trong 6 tháng cuối năm 2023 tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 02/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI và HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 78/NQ-HĐND ngày 09/12/2022; các nhiệm vụ, giải pháp tại Báo cáo số 187/BC-UBND ngày 20/6/2023 và các Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Khóa XII; trong đó, nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm:

 

Cập nhật, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách; hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các dự án khai thác quỹ đất, tổ chức đấu giá theo quy định, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023 được giao. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 ở mức cao nhất.

 

Triển khai sản xuất vụ mùa năm 2023 đảm bảo thời vụ; phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu trồng mới một số cây chủ lực của tỉnh. Tập trung mở rộng vùng nguyên liệu mía tại thành phố Kon Tum và các huyện lân cận có điều kiện về đất đai, giao thông thuận lợi; khôi phục và phát triển cây cà phê xứ lạnh, phấn đấu trồng mới 200 ha cây cà phê xứ lạnh. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng gắn với việc theo dõi, chăm sóc đối với những diện tích đã thực hiện đảm bảo tỷ lệ cây sống ở mức cao nhất; khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ ra.

 

Huy động các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó, tiếp tục chú trọng xây dựng thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn, phấn đấu đến cuối năm 2023 có thêm 03 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, nhất là những vùng chuyên canh nông sản, sản xuất hàng hóa.

 

Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương. Xúc tiến kêu gọi đầu tư, trọng tâm là kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy chế biến: Gỗ, trái cây, Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác, sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp... Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định nhằm sớm triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tính động lực, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Quản lý chặt chẽ công tác vận hành hồ chứa, nhất là các hồ đập có nguy cơ gây mất an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình thiên tai; chủ động triển khai hiệu quả các phương án ứng phó. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó thiên tai. Rà soát, củng cố các lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần để tổ chức tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “04 tại chỗ”.

 

Tăng cường các biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, phấn đấu đạt 25% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề (Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề…). Tổ chức cho học sinh, sinh viên các hoạt động hè bổ ích, thiết thực, nhất là các hoạt động phòng chống đuối nước ở trẻ em. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học 2023-2024 và công tác chuẩn bị các điều kiện triển khai năm học 2023-2024.  

 

Tập trung phát triển và có giải pháp mở rộng, phân luồng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu việc làm; đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo nghề theo hướng tăng nội dung thực hành, gắn kết chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường; phát huy và nâng cao năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực kết nối cung - cầu lao động.

 

Chủ động công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, tăng cường chất lượng công tác tiêm chủng, tăng tỷ lệ tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Quan tâm thực hiện tốt công tác khám bệnh đối với các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và trong hoạt động chuyên môn. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện tốt công tác đầu tư, tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum.

 

Chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, nhất là việc giao và giải ngân vốn ngân sách trung ương được cấp thẩm quyền phân bổ; kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tránh trùng lắp các nội dung, nhiệm vụ theo từng Chương trình. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, nhất là hỗ trợ định canh, định cư, đất ở, đất sản xuất, nhà ở đối với dân tộc thiểu số và hộ nghèo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; bảo trợ xã hội; giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội.  

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, trao quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường thanh tra công vụ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu duy trì xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh.

 

Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi phát sinh, nhất là những vụ khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường...

 

Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch. Thường xuyên truy quét, trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy, băng nhóm, tín dụng đen.... Đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy. Tiếp tục triển khai hiệu quả các Biên bản ghi nhớ, thỏa thuận đã ký kết với các đối tác trong và ngoài nước. Chủ động, tăng cường tìm hiểu, tiếp xúc nhằm thiết lập quan hệ với các đối tác mới, tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực nước ngoài, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thái Ninh