Chủ nhật, Ngày 22/12/2024 -
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn và các địa phương, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đến năm 2025 tại Kế hoạch số 834/KH-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng nhóm giải pháp can thiệp nhằm đạt các mục tiêu như nâng cao năng lực chuyên môn tuyến y tế cơ sở, đảm bảo cung ứng được các dịch vụ cho người dân khi có nhu cầu tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh; sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; tăng tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh; tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh đẻ tại các cơ sở y tế được tầm soát sàng lọc sơ sinh ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản.
Tăng cường công tác truyền thông vận động, tư vấn trực tiếp cho người dân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn toàn tỉnh để người dân tự giác thực hiện; tập trung triển khai tại các địa bàn hiện có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, có tỷ lệ sinh con ở lứa tuổi vị thành niên cao và vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh, triển khai thực hiện công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên miễn phí theo quy định.
Định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các chỉ tiêu (kể cả đối tượng không thuộc diện miễn phí); đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất bố trí kinh phí kịp thời (sau khi sử dụng hết nguồn miễn phí: hóa chất, giấy lấy mẫu đã được Bộ Y tế cấp thông qua Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thuộc Trường Đại học Y Dược Huế) nhằm đảm bảo người dân được sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh theo đúng quy định, không bị gián đoạn.
Ban Dân tộc phối hợp với Sở Y tế đề xuất bố trí kinh phí hằng năm từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 trên địa bàn quản lý đảm bảo có hiệu quả và đạt chỉ tiêu đề ra.
Trần Huệ - Phan Phượng
Tin tức liên quan