Thứ 7, Ngày 27/07/2024 -

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 27/11 - 01/12/2023
Ngày đăng: 03/12/2023  08:31
Mặc định Cỡ chữ
(http://kontum.gov.vn): Bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch COVID-19; Chủ động, tích cực giải quyết công việc theo thẩm quyền; Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; Khắc phục hậu quả vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại TP. Kon Tum; Tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi; Tăng cường lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm năm 2023 về xây dựng NTM; Chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; Triển khai công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 27/11 - 01/12/2023.

 

Ảnh minh họa

 

Bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch COVID-19

 

Tại Quyết định số 696/QĐ-UBND ngày 27/11, UBND tỉnh bãi bỏ 122 văn bản phòng, chống dịch COVID-19 do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ban hành, gồm: 06 văn bản về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; 05 văn bản về Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; 02 văn bản Hệ thống báo cáo dịch COVID-19; 26 văn bản về các kế hoạch, phương án; 12 văn bản về điểm khai báo y tế; 24 văn bản về các cơ sở cách ly; 04 văn bản về cấp độ dịch; 04 văn bản về bàn giao, quản lý cách ly tập trung; 03 văn bản về Trạm y tế lưu động; 14 văn bản an toàn phòng, chống dịch COVID-19; 13 văn bản về vận chuyển hàng hóa; 09 văn bản triển khai các Nghị quyết của Chính phủ.

 

UBND tỉnh giao Sở Y tế hướng dẫn công tác phòng, chống COVID-19, công tác báo cáo dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh bãi bỏ hoặc sửa đổi các văn bản không còn phù hợp với tình hình khi COVID-19 chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, nhất là các nội dung về chế độ, chính sách liên quan đến dịch bệnh COVID-19.

 

Chủ động, tích cực giải quyết công việc theo thẩm quyền

 

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 4145/UBND-KTTH ngày 27/11, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc.

 

Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; không tham mưu, trình UBND tỉnh báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không phát sinh vướng mắc vượt thẩm quyền của địa phương.

 

Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi

 

Tại Công văn số 4160/UBND-NNTN ngày 27/11, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bảo trì công trình hàng năm theo đúng quy định; thực hiện theo dõi kiểm tra quá trình thực hiện bảo trì công trình, đảm bảo khắc phục tình trạng công trình bị xuống cấp, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập, phát huy nhiệm vụ của hồ chứa phục vụ dân sinh, kinh tế; tổng hợp hiện trạng các công trình trước mùa mưa lũ hàng năm, lập danh mục các hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, kinh phí bảo trì, khắc phục sửa chữa hư hỏng báo cáo UBND tỉnh.

 

Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định pháp luật; chủ động rà soát, triển khai các nội dung theo thẩm quyền; Thường xuyên tổ chức, kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa lũ hàng năm; lập danh mục các hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, kinh phí bảo trì, khắc phục sửa chữa hư hỏng...

 

Khắc phục hậu quả vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại TP. Kon Tum

 

Tại Công văn số 4174/UBND-HTKT ngày 28/11, UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng và Công an thành phố Kon Tum điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ TNGT đặt biệt nghiêm trọng xảy vào ngày 24/11/2023 tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum để làm cơ sở xử lý theo quy định.

 

Giao UBND thành phố Kon Tum kịp thời tổ chức thăm hỏi các gia đình nạn nhân; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông, chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông nhằm hạn chế TNGT trên địa bàn theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.

 

Khoảng 22h40' ngày 24/11, tại cổng Trường THPT Phan Bội Châu - Tỉnh lộ 671 (thuộc địa phận thôn Plei Sar, xã Ia Chim, TP. Kon Tum) xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô BKS 27S1-018.67 di chuyển theo hướng từ xã Đăk Năng đến xã Ia Chim với xe mô tô BKS 82B1-896.91 di chuyển theo hướng ngược lại; hậu quả làm 3 người chết, 2 xe mô tô bị hư hỏng.

 

Tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi

 

Để chủ động phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong thời gian đến, nhất là vào dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 29/11, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để kiểm soát, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kế hoạch, phương án đảm bảo nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu cho người dân trong thời gian đến, nhất là vào dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

 

Giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý, tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

 

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn uôi an toàn dịch bệnh. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin. Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý.

 

Công điện nêu rõ: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới dịch bệnh phát sinh, lây lan ra diện rộng gây thiệt hại nghiêm trọng cho người chăn nuôi...

 

Tăng cường lãnh đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm năm 2023 về xây dựng NTM

 

Tại Công văn số 4193/UBND-NNTN ngày 30/11, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành các mục tiêu về xây dựng NTM năm 2023 đã được giao; Xác định quan điểm chỉ đạo: Xây dựng NTM là trách nhiệm của địa phương, cấp huyện đóng vai trò quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về mức độ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn và đây là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cá nhân; Thủ trưởng các sở, ngành phụ trách các tiêu chí có trách nhiệm giải trình cụ thể trước Chủ tịch UBND tỉnh về mức độ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đối với các tiêu chí chuyên ngành được phân công phụ trách và là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cá nhân Thủ trưởng đơn vị.

 

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG theo quy định, phát huy hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; Chủ động rà soát nhu cầu vốn, phù hợp với quy định và tình hình thực tế địa phương, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh vốn, hoàn trả ngân sách theo quy định.

 

Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện các chương trình MTQG; Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

 

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng, địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của từng Chương trình. Vận động người dân tích cực tham gia đóng góp vào việc thực hiện Chương trình, dự án và tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng các công trình đầu tư một cách có hiệu quả.

 

Các địa phương chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp, tài trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của người dân. Tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hiệu quả để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Sử dụng các nguồn vốn đầu tư đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Quan tâm bố trí kinh phí, huy động nguồn lực cho các xã đã đạt chuẩn duy trì các tiêu chí đã đạt hoặc còn nợ tiêu chí. Theo dõi việc bố trí nguồn vốn thuộc chương trình MTQG đảm bảo chặt chẽ, tránh vượt tổng kế hoạch vốn trung hạn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn vốn; triển khai các nhiệm vụ kế hoạch Chương trình MTQG, không để tình trạng giải ngân chậm và dồn về những tháng cuối năm...

 

Đến nay, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, đã có 42 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, đạt 49,41% tổng số xã. Tuy nhiên, vẫn còn 03 xã (02 xã thuộc huyện Đăk Glei và 01 xã thuộc huyện Đăk Tô) có số tiêu chí đạt chuẩn dưới 10 tiêu chí và 01 huyện chưa có xã NTM (huyện Tu Mơ Rông).

 

Chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ

 

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 4192/UBND-NC ngày 30/11, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc; chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh.

 

Thường xuyên chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giải quyết công việc, TTHC cho người dân, doanh nghiệp và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; triển khai các cuộc thanh tra hoạt động công vụ theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.

 

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

 

Triển khai công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi

 

Tại Công văn số 4197/UBND-NNTN ngày 01/12, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh và hướng dẫn của Ngành Nông nghiệp-PTNT trong công tác phát triển chăn nuôi phòng chống dịch bệnh, đói rét và hạn chế gia súc thả rông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Kon Tum; nhất là thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc thả rông (trâu, bò, lợn), phòng chống đói, rét cho trâu, bò; nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

 

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và phân công trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể từng tổ chức, cá nhân trong công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi; tránh tình trạng chủ quan, lơ là để xảy ra tình trạng gia súc, gia cầm chết do đói, rét.

 

Triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Thành lập các Đoàn công tác đi đến cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói, rét, đặc biệt chú trọng các địa phương vùng cao, nơi vật nuôi có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét như các huyện: Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei.

 

Cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Những ngày rét nhiệt độ ngoài trời dưới 120C, tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; đưa trâu, bò về chuồng, trại nuôi nhốt có thức ăn đảm bảo trong thời gian rét đậm, rét hại; củng cố, che chắn và thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, luôn giữ khô nền chuồng, đảm bảo ấm và không ẩm ướt...

 

Thái Ninh