Chủ nhật, Ngày 22/12/2024 -
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Kon Tum |
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; Thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Tuy nhiên thị trường bất động sản và các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước. Trong đó nguyên nhân trong nước do nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển và còn một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để như: Nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện; sức mua và thanh khoản giảm mạnh; số lượng dự án phát triển nhà ở được chấp thuận mới và hoàn thành giảm so với các năm trước đây, dẫn đến nguồn cung cho thị trường khá hạn chế; giá nhà ở lại có xu hướng tăng, vượt quá khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân có nhu cầu mua để sử dụng; các khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý, nguồn vốn tín dụng; giải quyết thủ tục hành chính của một số địa phương còn chậm…
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, các dự án bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 văn bản; các bộ, ngành liên quan ban hành 17 văn bản; trình Quốc hội xem xét thông qua 5 dự án luật; Tổ công tác nhận được 142 văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến 191 dự án bất động sản, 100% các văn bản được xem xét, đôn đốc xử lý...
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản triển khai ở các địa phương; Chỉ ra các bất cập vẫn còn tồn tại, từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của các địa phương, nhất là sau khi các Luật mới vừa được ban hành…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Tổ công tác của Chính phủ và các địa phương cần xác định rõ vướng mắc do đâu, và vướng ở bộ phận nào thì bộ phận đó phải vào cuộc giải quyết dứt điểm. Trong thời gian tới, Tổ công tác của Chính phủ phải kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tín dụng bất động sản để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện giải pháp về tái cấu trúc nợ tín dụng liên quan đến các dự án bất động sản của doanh nghiệp.
Đối với các địa phương cần rà soát, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn; giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát; Tích cực chủ động tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án nhất là các dự án lớn để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của dự án để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền liên quan đến các thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở.
Các doanh nghiệp chủ động rà soát về thủ tục pháp lý nêu cụ thể các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng chức năng, thẩm quyền. Tái cấu trúc, cơ cấu lại danh mục dự án, sản phẩm để đảm phù hợp với khả năng triển khai thực hiện của doanh nghiệp và điều kiện thực tế của thị trường…/.
Lê Thiện
Tin tức liên quan