Thứ sáu, Ngày 17/05/2024 -

Hội nghị khoa học cấp vùng các tỉnh Tây Nguyên
Ngày đăng: 11/04/2024  15:05
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 11/4, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Trao đổi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến, bảo quản đối với các loại cây trồng (cây dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực); nấm dược liệu và nấm ăn các tỉnh vùng Tây Nguyên”.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Trà Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các trường Đại học, Viện, Trung tâm nghiên cứu trong khu vực Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Tây Nguyên là vùng có diện tích lớn thứ ba cả nước, nơi có tính đa dạng sinh học rất cao và giàu tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, các tỉnh Tây Nguyên đã phát triển mạnh mẽ các loại rau hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, và cây dược liệu chất lượng cao. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, điều và mắc ca, cao su.

 

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu, tiêu thụ nông sản của Tây Nguyên vẫn còn thấp, chưa xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế vốn có. Sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm trên thị trường chưa cao do tính liên kết vùng trong các chuỗi giá trị còn thấp. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung, cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới. Đồng thời cũng là nơi có tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị cao chiếm 18,85%/năm. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố ngày càng lớn mạnh gồm khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, chiếm 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước; là nơi tập trung nguồn lực lớn về khoa học và công nghệ, cũng là nơi có thị trường tiêu thụ lớn nhất trong cả nước. Vì vậy việc hợp tác trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thúc đẩy kết nối và hình thành nên các chuỗi liên kết nông sản giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng Tây Nguyên là hướng đi triển vọng trên cơ sở phát huy lợi thế của các địa phương.

 

Quang cảnh Hội nghị

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích những kết quả, thành tựu đã đạt được trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tại các đơn vị thuộc các tỉnh Vùng Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh trên các đối tượng rau ăn lá, rau ăn quả, cây lượng thực, cây ăn quả, cây dược liệu, nấm ăn và nấm dược liệu; các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nổi bật; các mô hình sản xuất, mô hình trình diễn tiêu biểu trong hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị; các khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất được các giải pháp, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học trong thời gian tới.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đánh giá cao mối quan hệ hợp tác của các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

 

Đồng chí mong muốn các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu trong thời gian tới. Nhất là các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tại các tỉnh vùng Tây Nguyên...

 

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả triển khai hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; nấm dược liệu và nấm ăn của các tỉnh vùng Tây Nguyên; qua đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025.

 

Đồng thời, cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và kết quả hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến bảo quản đối với các loại cây trồng như dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực, nấm dược liệu và nấm ăn của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên.

 

Minh Huệ