Thứ sáu, Ngày 01/11/2024 -
Gặp gỡ các cựu chiến binh
Đường vào xã Xốp đã được bê tông hóa |
Một ngày cuối tháng 4, Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đăk Glei về xã Xốp (trước đây gọi Xốp Dùi) - được cách mạng chọn xây dựng làng kháng chiến kiểu mẫu của Tây Nguyên thời chống Pháp.
Người dân Xốp Dùi có truyền thống theo cách mạng từ thời chống Pháp, chống Mỹ. Trong Chiến dịch Đăk Pék họ là những người lính kiên trung, dũng cảm, mưu trí, góp phần vào Chiến thắng Đăk Pek 16/5/1974 - giải phóng hoàn toàn huyện H30 và H40 ( huyện Đăk Glei ngày nay).
Phó Chủ tịch UBND xã Xốp Y Chung trò chuyện với Cựu chiến binh A Lương |
Đến xã Xốp, Đoàn công tác Hội Nhà báo tỉnh được lãnh đạo xã đưa đến nhà ông A Lương, dân tộc Giẻ Triêng, làng Xốp Dùi. Trong căn phòng chừng 20m2 ông kê một giường ngủ, trên tường nhà treo kín Huân chương kháng chiến, giấy khen… Thấy chúng tôi đưa tay chỉ lên tường, ông vội vàng gỡ Huân chương kháng chiến hạng Ba được Nhà nước trao tặng năm 2000 đưa cho chúng tôi xem.
Ông kể: Năm 17 tuổi, tôi tham gia bộ đội địa phương tại làng Xốp Dùi. Từ năm 1968, ông bám trụ ở Đăk Pék. Lúc chỉ huy ở điểm A ( nay là đồi cao Đông Sông bây giờ), ngày nào cũng đánh. Nhớ nhất là trận đánh 1972, đánh du kích, lực lượng ít đánh lẻ, đánh liên tục, có ngày 2 - 3 trận; đến trận Đăk Pék đánh tổng hợp. Chiến dịch Đăk Pék 1974, lúc đó Mỹ thả bom, rất lo lắng không biết sống hay chết nhưng xác định trước hết là phải chiến đấu. Năm ấy, tôi là Trung úy Trung đội phó Trung đội C 103 huyện H30 (huyện Đăk Glei ngày nay).
Chia tay ông A Lương, đoàn đến thăm ông A B Rẫy, 75 tuổi, làng Kon Liêm. Gia đình có truyền thống cách mạng nên từ năm lên 10, 11 tuổi ông đã làm liên lạc đưa công văn cho cách mạng.
Tháng 6/1970 ông nhập ngũ, tham gia nhiều trận đánh nhưng nhớ nhất năm 1972 nằm phục kích dưới hồ nước, quần áo ướt đẫm, có lần ba lô rớt xuống suối ướt đồ đạc, gạo… cái rét tháng 2 thấu xương mà ráng chịu đựng, rồi cũng qua. Lúc đó đói cơm, thiếu thuốc men, nhất là thuốc sốt rét; 2- 3 năm mới được cấp 01 bộ quần áo. Bộ đội địa phương vừa chiến đấu vừa sản xuất, có lúc trên đầu thì máy bay, dưới thì súng đạn của Mỹ, không ít lần đang ăn bắp thấy lính vây, đút bắp vào túi quần. Họ tuyên truyền theo họ thì giàu có, theo cộng sản thì khổ, tư tưởng không vững vàng, sợ chết là đầu hàng giặc.
Cựu chiến binh A Nhất trao đổi với lãnh đạo xã Đăk Choong về hiệu quá cây cà phê xứ lạnh |
Rời xã Xốp, chúng tôi ra xã Đăk Choong, được lãnh đạo xã đưa đến nhà ông A Nhất, thôn Đăk Mi. Năm nay 69 tuổi, trông ông khỏe mạnh, minh mẫn nên nhớ rất rõ ngày Chiến thắng Đăk Pék.
Ông nói: Năm 1973 tôi vào bộ đội, 1974 tham gia chiến dịch Đăk Pék được 19 tuổi, ngày giải phóng Đăk Pek chúng tôi rất vui mừng, nhìn thấy 2 xe tăng Sư đoàn 10 chạy vào nơi đóng quân Đại đội 1 của Mỹ (cổng UBND huyện bây giờ), chứng kiến lính ngụy đầu hàng.
Trong chuyến công tác này, chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với ông A Lơn, nguyên Bí thư huyện ủy Đăk Glei, hiện đang ở thôn 14A, xã Đăk Pek. Ở tuổi 80 ông còn nhớ, kể rành mạch về Chiến thắng Đăk Pék.
Ông chậm rãi: Hồi đó tôi ở Đội vũ trang tuyên truyên H30 từ tháng 11/1971 đến năm 1974. Khi có chiến dịch tham gia vũ trang, hết chiến dịch tham gia tuyên truyền. Đêm làm rẫy, rải truyền đơn, bám dân tuyên truyền, là lính nên chúng tôi như con khỉ, con cọp ở trong rừng, khi có lệnh mới ra ngoài tham gia. Ngày chiến thắng Đăk Pék, địch ở trong ấp nhìn thấy bên ngoài bộ đội đánh thắng tự ra đầu hàng. Tôi tiếp quản vào ấp đưa dân về xung quanh đồn về khu giải phóng. Đây là trận đánh khác với các trận đánh trước vì tôi đã tham gia 1968 đánh Đăk Sút, sau đó tham gia Đăk Pék…Tất cả các trận đánh khác đánh bằng đặc công dùng lựu đạn hỏa lực, phá hàng rào, còn trận này vào một loạt cùng đánh. 1974 dùng hỏa lực đánh ban ngày, dùng pháo đánh từ xa, sau đó cho xe tăng vào, địch không chống cự nổi, ta chiến thắng.
Tự hào Đăk Glei
Chiến thắng Đăk Pék (16/5/1974 -16/5/2024) - đánh dấu mốc son lịch sử của huyện H 30, H40 (huyện Đăk Glei ngày nay). Chiến thắng Đăk Pék là sự kết hợp tài tình của các lực lượng vũ trang chủ lực, bộ dội địa phương dân quân du kích, binh vận cộng với sức mạnh toàn dân đã làm cho địch hoang mang mất tinh thần chiến đấu dẫn đến thất bại, ta giành thắng lợi lớn, góp phần giải phóng tỉnh Kon Tum, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, Đăk Glei là một trong những địa phương rất khó khăn, hạ tầng cơ sở hầu như không có gì. Cựu chiến binh (CCB) Thiếu úy Hoàng Cộng Sản, nguyên lính đặc công, Sư đoàn 320, hiện đang ở thị trấn Đăk Glei, cho biết ông là 1 trong 54 người được điều động lên xây dựng Đăk Glei vào 1977.
Ông nhớ lại: Tháng 12/1977 tôi đang ở Nha Trang ăn cá tươi hàng ngày, được điều lên Đăk Glei quá khổ. Ngày đó, chúng tôi ăn cơm tập thể, chị nuôi Y Chắt, Văn phòng huyện ủy hay chặt cây chuối nấu canh với bột ngọt, mỗi lần nấu chị lấy đũa chấm một ít bột ngọt cho vào nồi canh chuối, thế mà ăn vẫn ngon, ngọt vì quá thiếu thốn. Khi nào đi công tác xã, mang về ít gạo để dành nấu ăn sáng là quý lắm. Tôi ở quân đội, được điều qua làm Trưởng Phòng Tổ chức LĐTBXH huyện đến năm 1991 về hưu; năm 1996 -2004 tôi làm Chủ tịch UBND thị trấn, về khu dân cư làm Bí thư chi bộ thôn Đăk Dung 15 năm.
Cựu chiến binh Hoàng Cộng Sản (thứ hai từ phải sang) cùng các cựu chiến binh thị trấn Đăk Glei thăm di tích Chiến thắng Đăk Pék |
Gắn bó với quê hương thứ hai gần 50 năm, cựu chiến binh Hoàng Cộng Sản chứng kiến sự bức phá, đổi thay của Đăk Glei, nhất là từ khi có đường Hồ Chí Minh đi qua những năm 2000, 2001 đã phá thế ngõ cụt cho địa phương; tháng 6/1996 sự kiện Đăk Glei được đóng điện lưới quốc gia đã làm nức lòng người dân, cuộc sống đã bước sang trang mới. Cựu chiến binh Hoàng Cộng Sản hóm hỉnh đọc hai câu vè về một thời khó khăn: Đài ông Nga khi to khi nhỏ/ Điện ông Ngữ khi tỏ khi mờ. Hai câu vè này gắn với ông Cát Giang Nga, nguyên Trưởng Đài Truyền thanh - truyền hình huyện; ông Vũ Văn Ngữ, nguyên Chánh văn phòng UBND huyện lúc bấy giờ cả huyện dùng máy phát điện từ thủy điện nhỏ nên điện, đài luôn chập chờn là vậy.
Còn với cựu chiến binh A Lương, A B Rẫy sau chiến thắng Đăk Pek vì nhớ quê hương, cha mẹ, các ông trở về xã Xốp cùng bà con làm nương rẫy nhưng cứ vào tháng 6, 7 hàng năm là đói giáp hạt. Ở đây, ngoài trồng lúa mỗi năm 01 vụ, thiếu nước, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cái đói, cái nghèo bám quanh năm. Mặc dù những năm ấy, các cựu chiến binh về địa phương tham gia công tác ở xã, nhưng nhà nước chưa đầu tư hạ tầng cơ sở thì địa phương cũng đành nhìn người dân khó khăn. Ngay như các ông, mỗi lần ra huyện dự họp một ngày nhưng phải mất 3 ngày đi về vì đi bộ ra đến huyện đã hết một ngày mà phải băng rừng, đi đường tắt.
Đối với cựu chiến binh A Nhất, sau chiến thắng Đăk Pék ông ở lại phục vụ quân đội 13 năm rồi mới trở về xã Đăk Choong, tham gia công tác xã giữ nhiều vị trí chủ chốt cho đến khi về hưu năm 2010 là Chủ tịch UBND xã. Ông nói: Trước năm 1980 còn ở tỉnh đội Gia Lai - Kon Tum, mỗi lần đón xe từ Gia Lai về Đăk Glei có khi hai ngày mới về đến huyện. Về quê thấy người dân đói cơm, lạc mắm, thiếu mặc là thường xuyên. Còn ngày nay, xã Xốp, Đăk Choong đã có điện - đường - trường - trạm. Người dân không còn độc canh cây lúa, được vay vốn trồng cây cà phê, mắc ca, sâm dây, sâm Ngọc Linh… thu nhập tăng lên, đời sống được cải thiện. Giao thông thuận lợi từ xã ra huyện.
Ông A Lơn, nguyên Bí thư huyện ủy Đăk Glei kể với phóng viên về Chiến thắng Đăk Pék |
Ông A Lơn, nguyên Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: So sánh huyện sau giải phóng đến nay thay đổi rất nhiều và cơ bản. Trước đây đi công tác vào xã Đăk Choong, Ngọc Linh chúng tôi mang theo cả gạo, nồi để nấu cơm dọc đường. Tôi từng tham gia trong việc mở đường 14 cũ, thời ấy bác Trần Kiên cho phát rừng thông qua Phước Sơn; sau đó có chủ trương mở đường Hồ Chí Minh, người dân như đang khát gặp nước phấn khởi, ủng hộ vì mở đường đi đâu cũng dễ dàng.
Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei - Y Thanh cho biết: Là thế hệ lãnh đạo kế tục sự nghiệp của những lãnh đạo đi trước, Đảng bộ, chính quyền huyện Đăk Glei luôn tự hào, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, nỗ lực vươn lên đưa kinh tế huyện ngày càng chuyển dịch theo hướng đa ngành nghề, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh hiệu quả. Chăm lo quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng… tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Ngọc Mẫn
Tin tức liên quan