Thứ 3, Ngày 25/06/2024 -

Tình hình KTXH tháng 5 và 5 năm tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 26/05/2024  19:11
Mặc định Cỡ chữ
Kinh tế - xã hội (KTXH) trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển. Các cấp, các ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH năm 2024; qua đó, tình hình KTXH tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ: sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, du lịch, diện tích các cây trồng chủ lực…

 

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

 

Tháng 5/2024, sản xuất nông nghiệp với nhiệm vụ trọng tâm là tập trung thu hoạch cây trồng vụ đông xuân. Thời tiết trên địa bàn tỉnh vẫn còn nắng nóng gay gắt, lượng mưa ít nên người dân xuống giống trễ hơn so với cùng kỳ năm trước.

 

Công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm được giám sát chặt chẽ. Sản xuất lâm nghiệp duy trì ổn định; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được chú trọng.

 

 

Sản xuất công nghiệp

 

Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá cao so cùng kỳ năm trước. Hầu hết các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng; một số nhóm ngành tăng cao như ngành chế biến thực phẩm, sản xuất bàn ghế, chế biến gỗ... do năm nay tình hình tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, các doanh nghiệp nhận nhiều đơn hàng, một số doanh nghiệp đang mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất máy móc để đáp ứng sản xuất. Một số ngành như sản xuất đường, tinh bột sắn, chế biến gỗ nguồn cung cấp nguyên liệu tương đối đảm bảo, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu không còn xảy ra. Ngành sản xuất, phân phối điện; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định.

 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,79%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,03%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,64%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,92%.

 

 

Thương mại, dịch vụ

 

Tháng 5/2024, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn so với tháng trước, sức mua hàng hoá tăng nhẹ là do trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng của người dân trong dịp lễ 30/4 và 01/5 kéo dài liên tục 5 ngày, nhờ đó các hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trở nên sôi động. Thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và chi tiêu cho đời sống theo đó cũng ổn định đã làm cho doanh thu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng so với cùng kỳ năm trước.

 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,23% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Đầu tư - Ngân hàng

 

Trong tháng 5/2024, vốn đầu tư từ nguồn NSNN tiếp tục được các Sở, ngành và địa phương nỗ lực đẩy mạnh thực hiện triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đặc biệt là các dự án chuyển tiếp.

 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn NSNN do địa phương quản lý trên địa bàn đạt 931,12 tỷ đồng, tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ năm trước.

 

Các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định. Đến ngày 31/5/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 23.200 tỷ đồng, tăng 0,8% (+176 tỷ đồng) so với cuối năm 2023; tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 46.550 tỷ đồng, tăng 0,1% (+38 tỷ đồng) so với cuối năm 2023.

 

 

Giá cả thị trường   

 

Tháng 5/2024, giá cả thị trường trong tháng ở địa phương ổn định, không có sự biến động lớn về giá, không xảy ra hiện tượng ghim hàng tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2024 tăng 0,16% so với tháng trước, So với tháng 12/2023 CPI tháng 5 tăng 1,3% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,1%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 2,11%.

 

 

Về một số tình hình xã hội

 

Trong các tháng đầu năm 2024, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH năm 2024, qua đó, tình hình KTXH tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả, các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển; chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; tình hình dịch bệnh luôn kiểm soát tốt; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

 

Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; nắng hạn kéo dài đã gây ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh; tình hình tai nạn giao thông chưa được kiềm chế...

 

Thái Ninh