Chủ nhật, Ngày 24/11/2024 -

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024
Ngày đăng: 27/06/2024  22:04
Mặc định Cỡ chữ
6 tháng đầu năm 2024, một số chỉ tiêu KTXH trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tăng so với cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,47%; Tổng thu NSNN ước khoảng 1.789 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán giao, tăng 9,6%; tổng chi NSNN ước đạt 5.681 tỷ đồng, đạt 40,5% nhiệm vụ chi, tăng 22,4%; Vốn đầu tư thực hiện ước đạt 13.006 tỷ đồng, tăng 23,25%; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,57%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước đạt 19.057 tỷ đồng, tăng 12,13%...

 

 

Tăng trưởng kinh tế (GRDP): Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,56 %; quý II tăng 6,38%), đứng thứ 30/63 tỉnh, thành trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Trong đó: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản tăng 5,14%; Khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 10,44% (trong đó Công nghiệp tăng 11,45%); Khu vực Dịch vụ tăng 5,10%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,29%.

 

 

Tài chính, ngân hàng: Thu NSNN ước thực hiện 1.789 tỷ đồng, đạt 55% dự toán Trung ương giao, đạt 38,9% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 9,6% so với cùng kỳ (trong đó thu nội địa đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 10,66% so với cùng kỳ năm trước); Dự toán chi NSNN ước thực hiện 5.681 tỷ đồng, đạt 40,5% nhiệm vụ chi và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

 

Đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 22.800 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 47.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định.

 

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,28% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,73% đồ uống và thuốc lá tăng 2,2%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 3,19%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,85%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%; thuốc và thiết bị y tế tăng 9,83%; giao thông tăng 2,58%; giáo dục tăng 1,26%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,01%; Ở chiều ngược lại, có 2 nhóm hàng giảm giá: Bưu chính, viễn thông giảm 5,39% và văn hóa giải trí và du lịch giảm 2,92%.

 

 

Đầu tư và xây dựng: Cơ bản được duy trì ổn định, có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 23,35 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 7,41% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 (đến ngày 20/6) có 156 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 43,33% kế hoạch và tăng 16,42% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 1.107 tỷ đồng, đạt 27,67% kế hoạch và giảm 42,19% so với cùng kỳ. Có 30 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 38,78% so với cùng kỳ năm trước; 32 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 52,38% so với cùng kỳ năm trước; 163 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 32,52% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh và đảm bảo an toàn thuỷ lợi cho sản xuất trong mùa mưa lũ gắn với phòng chống dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt.

 

 

Sản xuất công nghiệp tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước (chỉ số chung 6 tháng tăng 9,57% so cùng kỳ), hầu hết các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng.

 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tính tăng 12,97 % so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP ước tính tăng 9,57% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 11,07%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,67%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,03%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 13,22%.

 

 

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 19.057 tỷ đồng, tăng 12,13% so với cùng kỳ năm trước; Vận chuyển hành khách tăng 16,81%, luân chuyển hành khách tăng 17,11% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 8,41%, luân chuyển hàng hóa tăng 9,41% so với cùng kỳ năm trước...

 

 

Thái Ninh