Thứ 7, Ngày 21/12/2024 -
Về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 về việc thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); hàng tháng, Chính phủ tổ chức phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, qua đó kịp thời chỉ đạo, định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp luật, kịp thời chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các luật, các dự án văn bản QPPL đã có trong chương trình, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ, kiên quyết khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản; ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2024 xác định “tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, khẩn trương ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực. Chủ động nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định chi tiết chuẩn bị có hiệu lực trong thời gian tới, không để khoảng trống pháp lý do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 916/QĐ-TTg ngày 27/8/2024 phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đến năm 2030. Trong quý III/2024, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 92 Thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 40 Nghị định; HĐND và UBND cấp tỉnh đã ban hành khoảng hơn 1.853 văn bản QPPL, trong số đó, có nhiều văn bản liên quan đến CCHC.
Về kết quả kiểm tra, rà soát văn bản QPPL: Bộ Tư pháp đã tiếp nhận để kiểm tra theo thẩm quyền đối với 1.149 văn bản; theo dõi, đôn đốc cơ quan ban hành văn bản hoàn thành việc xử lý đối với 15 văn bản có quy định trái pháp luật (14 văn bản đã được Bộ Tư pháp kết luận trong năm 2023 và 01 văn bản kết luận trong năm 2024). Trong quý III/2024, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, các bộ, ngành đã tổng hợp được 255 văn bản QPPL cần phải xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc công bố hết hiệu lực), văn bản QPPL có kiến nghị xử lý đã được xử lý xong là 168/255, đạt tỷ lệ 65,88%. Tại địa phương, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, các địa phương đã tổng hợp được 134 văn bản QPPL cần phải xử lý sau kiểm tra, trong đó, số văn bản QPPL có kiến nghị xử lý đã được xử lý xong là 98/134; 1.533 văn bản cần phải xử lý sau rà soát, trong đó, số văn bản QPPL có kiến nghị xử lý đã được xử lý xong là 1.057/1.533. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành quyết định công bố danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành toàn bộ hoặc một phần; đồng thời, tham mưu, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế các văn bản QPPL có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, trái quy định pháp luật sau khi được kiểm tra, rà soát.
Công tác tổ chức, theo dõi thi hành pháp luật: Triển khai thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, tích cực hoạt động theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý bám sát nội dung, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch năm của bộ, ngành, địa phương mình. Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghị quyết Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, 8 đã xác định cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện có hiệu quả. Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động chính sách, TTHC, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm cải cách TTHC trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ từ trung ương đến địa phương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm về an toàn thông tin mạng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện giải quyết TTHC. Theo tổng hợp từ báo cáo của Văn phòng Chính phủ và từ Cổng dịch vụ công quốc gia, một số kết quả chủ yếu đạt được như sau:
Về rà soát, đơn giản hóa quy định TTHC và các điều kiện kinh doanh: Tổng số quy định kinh doanh (QĐKD) được cắt giảm trong 8 tháng đầu năm 2024 là 226 QĐKD tại 26 văn bản QPPL. Tính từ năm 2021 đến tháng 8/2024, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.001 QĐKD (gồm: 1.591 TTHC, 181 yêu cầu điều kiện, 96 chế độ báo cáo, 164 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành) tại 261 văn bản QPPL (gồm: 17 luật, 71 nghị định, 04 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 167 thông tư, thông tư liên tịch và 02 văn bản khác) trên tổng số 15.801 QĐKD được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, đạt 18,99%.
Về phân cấp trong giải quyết TTHC: Tổng số TTHC đã được các bộ, ngành phân cấp từ đầu năm đến tháng 8/2024 là 142 TTHC tại 24 văn bản QPPL (11 Nghị định và 13 Thông tư). Tính từ năm 2022 đến tháng 8/2024, đã có 19/21 bộ, cơ quan thực hiện phân cấp 295/699 TTHC, đạt 42,2%. Trong đó, 03 cơ quan đã thực hiện phân cấp đạt 100%, 08 bộ đạt từ 50% trở lên, 08 bộ đạt dưới 50%, 02 bộ chưa thực hiện phân cấp theo phương án đã được phê duyệt. Tổng số TTHC còn tiếp tục phải thực hiện phân cấp là 404 TTHC.
Về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025: Tính đến tháng 8/2024, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 84 TTHC nội bộ, đang tiếp tục thực hiện đơn giản hóa 94 TTHC nội bộ được Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phê duyệt phương án theo thẩm quyền; các địa phương đã đơn giản hóa 357 TTHC nội bộ, đang tiếp tục thực hiện đơn giản hóa 555 TTHC nội bộ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án theo thẩm quyền.
Thực hiện 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư: Tổng số TTHC được đơn giản hóa trong 8 tháng năm 2024 là 278 TTHC tại 27 văn bản QPPL. Tính đến tháng 8/2024, các bộ, ngành đã đơn giản hóa 859 TTHC được giao tại 19 Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, đạt 79%; có 07 bộ, cơ quan hoàn thành thực hiện 100% phương án đơn giản hóa; 10 bộ, cơ quan đạt trên 50%; 02 bộ đạt dưới 50%; còn 255 TTHC cần tiếp tục đơn giản hóa tại 01 Luật, 16 Nghị định, 10 Thông tư liên tịch và 20 Thông tư.
Về công bố, công khai TTHC: Từ ngày 01/7/2024 đến ngày 23/9/2024, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 1.280 quyết định công bố TTHC sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; đồng thời, công khai, cập nhật danh mục và nội dung TTHC thuộc phạm vi quản lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia và các kênh thông tin khác theo quy định. Tại thời điểm ngày 23/9/2024, cả nước có 6.331 TTHC, trong đó 3.775 TTHC thực hiện tại bộ, cơ quan Trung ương, 1.285 TTHC thực hiện tại địa phương và 1.745 TTHC ngành dọc tại địa phương.
Về vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia: Việc đẩy mạnh tiến độ rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường kết nối, thanh toán trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tính đến ngày 23/9/2024, đã có 4.454 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (2.649 thủ tục của người dân, 2.372 thủ tục của doanh nghiệp), trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: Đăng ký tạm trú; Xác nhận thông tin cư trú; Cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước (thực hiện tại cấp tỉnh),... Theo thống kê, đến ngày 23/9/2024, đã có trên 363,35 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 54,69 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả tại các bộ, ngành, địa phương. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng tài liệu hướng dẫn tổ chức thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Công văn số 5343/VPCP-KSTT ngày 27/7/2024). Trên cơ sở hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, các địa phương: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp; tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nâng cấp phần mềm ứng dụng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo báo cáo, thống kê kết quả giải quyết hồ sơ TTHC có tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì ở mức cao, bình quân cả nước đạt 98,74%; trong đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các bộ, cơ quan Trung ương đạt 98,79%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 99,54%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của UBND cấp huyện đạt 97,2%, UBND cấp xã đạt 99,43%./.
Trịnh Minh
Tin tức liên quan