Thứ 7, Ngày 21/12/2024 -

Tỉnh Kon Tum tích cực xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày đăng: 10/10/2024  16:33
Mặc định Cỡ chữ
Trong những năm qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm khởi sắc, đổi mới bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống của người dân.

Các hộ dân tại làng Chứ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy được hỗ trợ bò sinh sản và hỗ trợ cây trồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

 

Tỉnh Kon Tum có 83 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (50 xã đặc biệt khó khăn, biên giới, an toàn khu); 498 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS. Nhìn chung, đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; tính đến cuối năm 2023, có 9.716 hộ nghèo là đồng bào DTTS (chiếm 95% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đối thấp (khoảng 30 triệu triệu đồng/người).

 

Từ năm 2016 đến nay, Trung ương có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS. Việc thực hiện các Chương trình MTQG đã góp phần tích cực vào hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS như: Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thời gian qua, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là 112.579 tỷ đồng; đã đầu tư mới, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng 1.162 công trình; hỗ trợ cây, con giống, chuồng trại chăn nuôi, máy móc thiết bị, công cụ lao động; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho người dân; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho tổng số 15.489 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào DTTS rất ít người.

 

Từ năm 2019 đến nay, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc miền núi khoảng 962.996 triệu đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng lao động được nâng lên; cơ sở hạ tầng các huyện, xã nghèo, khó khăn được cải thiện, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn tính giảm 3,65%/năm giai đoạn 2019-2021 và 3,34%/năm giai đoạn 2021-2023; số hộ nghèo đồng bảo dân tộc thiểu số giảm nhanh từ 15.215 hộ năm 2022 còn 9.716 hộ năm 2023.

 

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS. Qua đó, đã tập trung nguồn lực chi cho phát triển giáo dục và các nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án về giáo dục và đào tạo vùng DTTS; Tổ chức tập huấn về nâng cao chất lượng tay nghề và đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, kỹ năng truyền nghề truyền thống của các DTTS; hỗ trợ phát triển các sản phẩm rượu cần truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP; hỗ trợ một số sản phẩm của người đồng bào DTTS tham gia sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảng dạy nghề truyền thống theo tài liệu giáo dục địa phương; tổ chức các lớp tập huấn để truyền dạy nghề tại các thôn (làng), khu dân cư cho thế hệ kế cận, nhất là đối tượng trẻ, nòng cốt trong các tổ liên kết, hợp tác xã, hộ gia đình.

 

Bên cạnh đó, triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” và "tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bản tỉnh". Đến nay, đã có 15.343 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào DTTS (chiếm trên 74,61%) đã thay đổi nếp nghĩ, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bằng chính nội lực của mình; nhiều thôn (làng) đã triển khai thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; nhiều hộ gia đình đã nhận thức được vai trò quan trọng của việc nuôi dạy con, tự nguyện đưa con em trong độ tuổi đến trường, tham gia các lớp học bổ túc văn hóa, xóa mù chữ; thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình…

 

Ngoài ra, để bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng, tỉnh đã hỗ trợ 137 bộ cồng chiêng cho 137 thôn (làng), tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh với kinh phi thực hiện 4.326,5 triệu đồng.

 

Nhận thấy, việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM đã đạt được những kết quả tích cực nhưng bộ mặt các thôn (làng) vẫn còn hạn chế, nhất là hạ tầng thiếu yếu chưa đồng bộ. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đang đầu tư trên địa bàn, bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện đạt chuẩn theo bộ tiêu chí. Đã xây dựng danh mục các loại công trình và thiết kế mẫu để thực hiện theo cơ chế đặc thù nhằm phục vụ trực tiếp đời sống người dân, là các loại công trình có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản để người dân và cộng đồng dân cư tự thực hiện.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế như: Điểm xuất phát của tỉnh thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; nhu cầu vốn đầu tư xây dựng về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất còn hạn chế. Việc huy động người dân tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng NTM còn hạn chế; Vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM ở một số nơi còn chưa được phát huy đúng mức…

 

Có thể thấy, các cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng NTM vùng đồng bào các DTTS đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp của người dân vào công cuộc xây dựng NTM; đến nay đã có 46/83 xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh đạt chuẩn xã NTM; 05 xã NTM nâng cao, 01 xã NTM kiểu mẫu, 7 thôn ( làng) đạt chuẩn thôn NTM.

 

Các cơ quan, địa phương đã triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS; thường xuyên phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác xây dựng NTM được chú trọng triển khai thực hiện./.

Lê Hằng