Chủ nhật, Ngày 22/12/2024 -
Ảnh minh họa |
Triển khai chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh
Triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS và cá nhân người đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, tại Công văn số 4362/UBND-NNTN ngày 03/12, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, báo cáo các trường hợp không có đất ở, đất sản xuất nông nghiệp; thiếu đất ở, đất sản xuất nông nghiệp tính đến thời điểm ngày 31/12/2024 trên địa bàn; Lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người DTTS trên địa bàn.
Trình UBND tỉnh quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người DTTS phù hợp với tình hình thực tế quỹ đất của địa phương;
Lập dự án tạo lập quỹ đất để giao đất thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn. Tổng hợp các dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS của tỉnh vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định...
Triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế trong hoạt động cung ứng dịch vụ công
Tại Công văn số 4329/UBND-NC ngày 02/12, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế trong hoạt động cung ứng dịch vụ công, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần cải thiện Chỉ số SIPAS, PAPI tỉnh Kon Tum năm 2025 và các năm tiếp theo, như:
Xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm nâng cao tinh thần phục vụ, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, góp phần đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh;
Tăng cường ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, năng lực chuyên môn, chuẩn mực đạo đức, lối sống,... của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người trực tiếp thụ lý giải quyết các TTHC; Thường xuyên theo dõi chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của đơn vị; không để xảy ra tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC;
Tuyên truyền nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của các nội dung Chỉ số PAPI, SIPAS để người dân, tổ chức nhìn nhận tích cực, khách quan hơn về nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CCHC...
Chuyển giao Trung tâm Y tế về UBND các huyện, thành phố quản lý
Tại Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 03/12, UBND tỉnh chuyển nguyên trạng 10 Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trực thuộc Sở Y tế quản lý về trực thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý kể từ ngày 01/01/2025, cụ thể: Chuyển Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum (2 phòng chức năng, 4 khoa chuyên môn và 21 Trạm Y tế xã, phường) về trực thuộc UBND thành phố Kon Tum; Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi (2 phòng chức năng, 4 khoa chuyên môn, 8 Trạm Y tế xã, thị trấn) về trực thuộc UBND huyện Ngọc Hồi; Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà (3 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn và 11 Trạm Y tế xã, thị trấn) về trực thuộc UBND huyện Đăk Hà; Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô (3 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn và 9 Trạm Y tế xã, thị trấn) về trực thuộc UBND huyện Đăk Tô; Trung tâm Y tế huyện Tu Mơ Rông (3 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn, 1 Phòng Khám Đa khoa khu vực Đăk Rơ Ông và 10 Trạm Y tế xã) về trực thuộc UBND huyện Tu Mơ Rông;
Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei (3 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn, 1 Phòng Khám Đa khoa khu vực Đăk Môn và 11 Trạm Y tế xã, thị trấn) về trực thuộc UBND huyện Đăk Glei; Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy (3 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn, 1 Phòng Khám Đa khoa khu vực Đăk Rve và 6 Trạm Y tế xã) về trực thuộc UBND huyện Kon Rẫy; Trung tâm Y tế huyện Kon Plông (3 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn và 9 Trạm Y tế xã, thị trấn) về trực thuộc UBND huyện Kon Plông; Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy (3 phòng chức năng, 8 khoa chuyên môn và 11 Trạm Y tế xã, thị trấn) về trực thuộc UBND huyện Sa Thầy; Trung tâm Y tế huyện Ia H’Drai (1 phòng chức năng, 4 khoa chuyên môn và 3 Trạm Y tế xã) về trực thuộc UBND huyện Ia H’Drai.
UBND tỉnh giao Sở Y tế thực hiện bàn giao nguyên trạng toàn bộ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhân lực, tài chính, đất đai, tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hồ sơ, sổ sách,... của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố về UBND các huyện, thành phố quản lý theo quy định của pháp luật; UBND các huyện, thành phố tiếp nhận nguyên trạng toàn bộ tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhân lực, tài chính, đất đai, tài sản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hồ sơ, sổ sách... của Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để quản lý theo quy định của pháp luật...
Điều chỉnh Bảng giá đất định kỳ 05 năm (2020 - 2024) trên địa bàn tỉnh
Ngày 03/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định 75/2024/QĐ-UBND điều chỉnh Bảng giá đất định kỳ 05 năm (2020 - 2024) trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, ban hành các Bảng giá đất điều chỉnh bảng giá đất, cụ thể: (1) Bảng giá đất trồng lúa; (2) Bảng giá đất trồng cây hàng năm khác; (3) Bảng giá đất trồng cây lâu năm; (4) Bảng giá đất rừng sản xuất; (5) Bảng giá đất nuôi trồng thủy sản; (6) Bảng giá đất đối với các loại đất được quy định tại Quyết định số 49/2021/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh; (7) Bảng giá đất ở nông thôn; giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; (8) Bảng giá đất ở đô thị; giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.
Bảng giá đất nêu trên được sử dụng để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; Tính thuế sử dụng đất; Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân; Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng; Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê...
Tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới
Nhằm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn, tại Công văn số 4382/UBND-NNTN ngày 05/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ngành thuộc tỉnh được phân công phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu.
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình theo quy định, phát huy hiệu quả sử dụng vốn hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động rà soát nhu cầu vốn, phù hợp với quy định và tình hình thực tế địa phương, trường hợp hết nhu cầu, các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh vốn, hoàn trả ngân sách.
Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng đúng quy định pháp luật trong quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chương trình mục tiêu.
Tiếp tục duy trì và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở nhất là theo từng chuyên đề cụ thể và kiểm tra việc quản lý sử dụng vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp theo đúng quy định; triển khai các nhiệm vụ kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025 ngay từ những tháng đầu năm, không để tình trạng giải ngân chậm và dồn về những tháng cuối năm như hiện nay.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng, địa bàn để người dân nắm bắt kịp thời về ý nghĩa, mục đích, sự cần thiết của từng Chương trình. Vận động người dân tích cực tham gia đóng góp vào việc thực hiện Chương trình, dự án và tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng các công trình đầu tư một cách có hiệu quả.
Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp, các chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới như: chương trình OCOP, du lịch nông thôn, chuyển đổi số,...
Tăng cường thực hiện công tác quản lý và sử dụng con dấu
Tại Công văn số 4384/UBND-NC ngày 05/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, sử dụng con dấu theo quy định; Rà soát, ban hành các văn bản, quy chế, quy trình quy định về công tác văn thư, công tác quản lý, sử dụng con dấu theo thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng con dấu, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm và đề ra các giải pháp khắc phục, ngăn chặn, không để tội phạm lợi dụng các sơ hở, thiếu sót để phạm tội hoặc để xảy ra vi phạm.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc quản lý, sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo quy định của pháp luật. Thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm việc soạn thảo, ban hành, quản lý văn bản; bố trí phòng, kho lưu trữ và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cho bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ và con dấu; con dấu phải được quản lý chặt chẽ tại trụ sở cơ quan, tổ chức; chỉ người đứng đầu cơ quan, tổ chức mới được quyết định việc mang con dấu ra ngoài trụ sở để sử dụng giải quyết công việc. Trường hợp thủ trưởng cơ quan, tổ chức giao cho cán bộ văn thư quản lý, sử dụng con dấu thì cán bộ văn thư phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, sử dụng con dấu của đơn vị tại trụ sở cơ quan và phải được bảo quản theo quy định; trường hợp cần đưa con dấu ra khỏi cơ quan, đơn vị phải được sự đồng ý của người đứng đầu và phải chịu trách nhiệm về bảo quản, sử dụng con dấu. Không giao con dấu cho người khác khi chưa được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền; đóng dấu vào văn bản, giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật...
Phê duyệt Danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng năm 2025
Tại Quyết định số 799/QĐ-UBND ngày 06/12, UBND tỉnh phê duyệt Danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng năm 2025 trên địa bàn tỉnh gồm 152 khách hàng sử dụng điện quan trọng với tổng công suất sử điện khoảng 22.219 kW (thành phố Kon Tum 36 đơn vị; các huyện: Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Rẫy 11 đơn vị/địa bàn; các huyện: Ngọc Hồi, Kon Plông 12 đơn vị/địa bàn; huyện Đăk Glei 13 đơn vị; huyện Đăk Hà 14 đơn vị; huyện Ia H'Drai 15 đơn vị; huyện Đăk Tô 17 đơn vị).
UBND tỉnh giao Công ty Điện lực Kon Tum thực hiện chế độ ưu tiên cung ứng điện an toàn, ổn định liên tục cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng năm 2025 trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt; Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp và kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện.
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh
Tại Công văn số 4405/UBND-KGVX ngày 06/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030; đặc biệt chú trọng đến trẻ em, học sinh ở khu vực vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Giao các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh; Tăng cường các hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; Tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục và đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc theo dõi, quản lý trẻ em, học sinh không để xảy ra tình trạng đuối nước; Tăng cường công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu khi có trường hợp đuối nước xảy ra; Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp tổ chức dịch vụ dạy bơi, vui chơi giải trí dưới nước thực hiện các quy định về đảm bảo có đủ nhân viên chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao và đảm bảo vệ sinh an toàn theo quy định.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo về tình hình đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng công cộng để đông đảo người dân, đặc biệt là trẻ em biết và phòng tránh tai nạn đuối nước xảy ra...
Thái Ninh
Tin tức liên quan