Chủ nhật, Ngày 12/01/2025 -

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngày đăng: 05/01/2025  16:17
Mặc định Cỡ chữ
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, Kon Tum đã quan tâm phát triển du lịch trong thời gian qua. Song, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế vốn có.

 

Du khách tham quan vườn sâm Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum

 

Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, mang bản sắc riêng, Kon Tum được đánh giá là tỉnh có nhiều nguồn lực phát triển kinh tế du lịch. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Kon Tum đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch để phát triển du lịch. Mục tiêu phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong cả nước, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Xuất phát từ lợi thế về vị trí địa lý, truyền thống văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ thị trường khách du lịch; triển khai đầu tư tôn tạo, phục dựng và khai thác giá trị di tích lịch sử cách mạng để phục vụ phát triển du lịch như: Du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng; Du lịch văn hóa - lịch sử; Du lịch văn hóa - tâm linh...

 

Công tác xây dựng phát triển và khai thác tiềm năng du lịch của các địa phương trên địa bàn tỉnh được chú trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ du lịch được đầu tư để hoàn thiện, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa của địa phương. Đến nay, tỉnh đã triển khai 40 dự án đầu tư và cải thiện hạ tầng thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách; chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông, mở rộng kết nối đến các khu du lịch trọng điểm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, chất lượng đang từng bước được cải thiện.

 

Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng phong phú mang nét đặc trưng riêng, trọng tâm là sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội; phát triển các sản phẩm lưu niệm và ẩm thực đặc trưng của địa phương để tạo sự khác biệt, độc đáo du lịch của tỉnh để bảo tồn, giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa của tỉnh gắn với phát triển du lịch.

 

Nhờ đó, lượt khách du lịch đến với tỉnh tăng dần qua các năm, năm 2023, toàn tỉnh đón 1.389.622 lượt khách, trong đó khách quốc tế 5.000 lượt khách doanh thu đạt 533 tỷ đồng; đến tháng 11 năm 2024, 2.185.243 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 7.934 lượt khách doanh thu đạt 673 tỷ đồng.

 

Xác định công tác quảng bá, xúc tiến du lịch là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý du lịch, tỉnh đã tập trung đa dạng hóa các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp, phát huy sức mạnh của truyền thông và đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội, đổi mới cả về nội dung và hình thức, trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu, sản phẩm du lịch của tỉnh. Chú trọng công tác xúc tiến, mở rộng thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế, tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương để hình thành chuỗi sản phẩm có tính liên kết, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch bền vững.

 

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Việc đầu tư chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phát triển ngành du lịch. Nguồn ngân sách đầu tư cho sự nghiệp du lịch còn hạn hẹp, công tác xã hội hóa về du lịch đang gặp nhiều khó khăn. Về dịch vụ du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh chưa triển khai các hoạt động kinh doanh du lịch. Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch chưa đa dạng về hình thức. Nhân lực hoạt động du lịch số lượng ít, chất lượng chưa cao, kỹ năng thực hành thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

 

Để phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư các loại hình, sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm; đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống vận chuyển khách du lịch chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường; từng bước mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch văn hóa cộng đồng là một trong những quan tâm hàng đầu của khách du lịch trong và ngoài nước.

 

Tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề du lịch để đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực về nghiệp vụ, kỹ năng quản lý du lịch. Triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho lao động du lịch chất lượng cao làm việc tại tỉnh theo quy định, đặc biệt là người DTTS.

 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động, Nhân dân đối với việc phát triển du lịch được nâng cao; đặc biệt về ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, thái độ ứng xử văn minh đối với khách du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch bền vững./.

 

Lê Hằng