Thứ sáu, Ngày 10/01/2025 -

Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2025
Ngày đăng: 09/01/2025  14:06
Mặc định Cỡ chữ
Chính phủ thống nhất chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”; yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có giải pháp đột phá, cách làm hiệu quả khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, đổi mới tư duy, tập trung hiện thực hóa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước

Năm 2025, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích. Chính phủ thống nhất chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”; yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có giải pháp đột phá, cách làm hiệu quả khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, đổi mới tư duy, tập trung hiện thực hóa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, từng cấp, từng ngành, mỗi cơ quan, đơn vị. Với phương châm “Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi” nhằm thực hiện thành công Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025, tạo đà phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển KTXH 05 năm 2021- 2025, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

 

Về phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2025; trong đó, chú trọng những nội dung sau:

 

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ. Phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của từng bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài.

 

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật để thực sự là “đột phá của đột phá”; quyết liệt tháo gỡ, khắc phục điểm nghẽn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật theo các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Tổ chức hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, khuyến khích sáng tạo, khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

 

Tập trung ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để triển khai đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, định hướng kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ, các tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Sửa đổi các Luật về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm đồng bộ. Có cơ chế, chính sách đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có nền tảng vững chắc về tư tưởng chính trị, chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; tư duy sáng tạo, đột phá, nhất là trong xử lý những tình huống phức tạp, điểm nghẽn.

 

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư cao; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 trên 8% để tạo nền tảng vững chắc đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số từ năm 2026. Tiếp tục chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn hệ thống. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý thu ngân sách nhà nước bảo đảm chặt chẽ, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường.

 

Tập trung các nguồn lực, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, kết nối liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia, quốc tế. Triển khai đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển. Hoàn thành các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia giai đoạn 2026 - 2030. Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, sửa đổi Luật Điện lực. Xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, Khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế. Phát triển hạ tầng số quốc gia; thương mại hóa 5G, ứng dụng các loại dịch vụ vệ tinh.

 

Thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 06/9/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp NSNN. Cơ cấu lại đầu tư công; triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Tiếp tục cải cách TTHC, cắt giảm giấy phép và hoạt động cấp phép; đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, hướng tới toàn trình, không phụ thuộc địa giới hành chính. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Đề án 06, số hóa hoạt động quản lý nhà nước.

 

Huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DNNN. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Sử dụng các nguồn lực từ thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tập trung phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng KTXH. Tập trung triển khai các kế hoạch thực hiện quy hoạch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy hoạch ngành quốc gia; phấn đấu năm 2025 đạt tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc là 45%.

 

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi. Thực hiện nghiêm các Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023, 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 của Bộ Chính trị. Xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì Nhân dân phục vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Tập trung phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội và đặt ngang với phòng, chống tham nhũng; rà soát, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí đất đai, cơ hội, tài sản...

 

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Hoàn thành mục tiêu phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025. Tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân. Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; không để xảy ra thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, ngành công nghiệp văn hóa. Thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai, các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng.

 

Bảo đảm ổn định chính trị, tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; triển khai hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Tập trung phòng, chống tội phạm; giảm thiểu số vụ phạm tội về trật tự xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ. Triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; giữ đà, triển khai tốt quan hệ với các nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

 

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nhất là về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện lớn của đất nước; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội./.

 

                                                                                                    Trịnh Minh