Thứ hai, Ngày 20/01/2025 -
Ảnh minh họa |
Triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng kinh tế năm 2025
Tại Công văn số 119/UBND-KTTH ngày 13/01, UBND yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động, quyết liệt tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP) và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030;
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước; Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, các Chương trình MTQG;
Chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa; phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng trên từng địa bàn và phạm vi cả tỉnh; Tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động bền vững, hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại.
Tập trung thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chủ trương, định hướng của Trung ương và Chính phủ, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra...
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư
Ngày 13/01, UBND tỉnh ban hành Công văn số 122/UBND-KTTH chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 16/5/2022 của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030.
Nâng cao về nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị trong vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quy định, quy trình, thủ tục trong giải quyết công việc; chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi trên địa bàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phản ánh tình trạng thiếu trách nhiệm, tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức.
Phát huy kết quả đạt được của Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS năm 2023 của tỉnh; đồng thời khắc phục những hạn chế để cải thiện, nâng cao các chỉ số trong các năm tiếp theo. Tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều hình thức và đa dạng về nội dung, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...
Quy định việc phối hợp cung cấp thông tin về nhà ở
Ngày 13/01, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/2025/QĐ-UBND quy định nội dung và trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin về nhà ở giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và cơ quan quản lý nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Luật Nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Nội dung công tác phối hợp: Cung cấp thông tin về nhà ở của tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài và dự án đầu tư xây dựng nhà ở; Cung cấp thông tin về nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thông tin về nhà ở cung cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Luật Nhà ở.
Theo Quyết định, cơ quan chuyên môn tham mưu về đất đai thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhà ở; chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về nhà ở khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định cho cơ quan chuyên môn tham mưu về nhà ở thuộc UBND tỉnh; Cơ quan chuyên môn tham mưu về đất đai thuộc UBND cấp huyện, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhà ở khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quy định cho cơ quan chuyên môn tham mưu về nhà ở thuộc UBND cấp huyện.
Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo
Để tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ và các sự kiện quan trọng của đất nước trong năm 2025; tại Công văn số 123/UBND-NC ngày 13/01, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác quản lý, sử dụng và phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và pháo. Phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp trong công tác quản lý, sử dụng, phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật, thu hồi, giao nộp và tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh với các vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo một cách sâu rộng, xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với từng địa bàn, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong Nhân dân, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Chú trọng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò của các tổ chức CTXH trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về VK, VLN, CCHT và pháo. Nhân rộng gương “Người tốt, việc tốt”, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống các vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT và pháo.
Giao Công an tỉnh tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến VK, VLN, CCHT và pháo, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động thu hồi, giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT và pháo; gắn việc thực hiện công tác này với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng về VK, VLN, CCHT và pháo với những đối tượng có nguy cơ, điều kiện, khả năng vi phạm...
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025
Tại Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 13/01, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành được phân công phụ trách các tiêu chí nông thôn mới (NTM), Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành đạt và vượt mục tiêu xây dựng NTM theo yêu cầu; Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và phải hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025 đã được giao.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, theo quy định, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn; Nâng cao trách nhiệm chính trị trong xây dựng NTM, đặc biệt khắc phục tình trạng trông chờ từ nguồn hỗ trợ của ngân sách cấp trên; chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân bên cạnh hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội;
Các địa phương cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bảo đảm theo quy định của HĐND tỉnh về tỷ lệ đối ứng giữa các cấp ngân sách thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Chủ động lồng ghép, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư hoàn thành các dự án, thực hiện hiệu quả các nội dung, hoạt động của Chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo giữa các chương trình MTQG, phù hợp với thực tế, đúng quy định của pháp luật;
Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM; đồng thời triển khai xây dựng xã NTM nâng cao đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM; rà soát, lựa chọn các xã, thôn tiêu biểu, điển hình để tổ chức triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu, thôn NTM kiểu mẫu;
Trong năm 2025 phải phấn đấu 100% số xã NTM đảm bảo duy trì đạt chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững, phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, xây dựng xã NTM kiểu mẫu ở những địa phương có điều kiện theo mục tiêu đề ra. Xây dựng Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM năm 2025 và các năm tiếp theo...
Tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Tại Công văn số 134/UBND-NNTN ngày 14/01 UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các phương án thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý triệt để chất thải phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng, khu vực chợ, khu dân cư tập trung, khu du lịch văn hóa, khu vui chơi, giải trí và chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh khối lượng chất thải lớn, tuyệt đối không để ùn ứ rác thải tại các khu đô thị, khu thương mại, dân cư; tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phân loại, thu gom chất thải theo quy định.
Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các nguồn thải lớn hoặc cơ sở có nguy cơ gây sự cố chất thải, sự cố môi trường. Bố trí, sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, huy động các nguồn lực ứng phó, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại sự cố liên quan (nếu có) nhanh chóng, hiệu quả.
Tăng cường công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, tránh nguy cơ dịch lây nhiễm ra cộng đồng để đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe của Nhân dân.
Công bố các sự kiện nổi bật của tỉnh Kon Tum năm 2024
Tại Công văn số 143/UBND-KGVX ngày 15/01, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức công bố và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về các sự kiện nổi bật tỉnh Kon Tum năm 2024 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất đảm bảo theo quy định và Kế hoạch của UBND tỉnh.
Giao Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng video clip các sự kiện nổi bật của tỉnh Kon Tum năm 2024 để thực hiện công tác tuyên truyền theo quy định.
5 sự kiện nổi bật của tỉnh Kon Tum năm 2024: (1) Công bố quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (16/01/2024); (2) Kỷ niệm 65 năm thành lập Khu căn cứ Tỉnh ủy (26/4/2024); (3) Sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 18/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và công nhận thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei đạt chuẩn nông thôn mới (29/11/2024); (4) Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Măng Bút (20/8/1974-20/8/2024) và 50 năm Ngày giải phóng huyện Kon Plông (12/10/1974-12/10/2024); (5) Tuần Văn hóa - Du lịch lần thứ V, Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II, năm 2024 và công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045 (11-14/12/2024).
Quy định về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất trên địa bàn tỉnh
Ngày 15/01, UBND tỉnh ban hành Quyết định 03/2025/QĐ-UBND quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất theo quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 của Chính phủ quy định về giá đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Quyết định quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất phi nông nghiệp (gồm: Vị trí, địa điểm của thửa đất, khu đất; Điều kiện về giao thông; Điều kiện về cấp thoát nước, cấp điện, Diện tích, kích thước, hình thể của thửa đất, khu đất; Các yếu tố liên quan đến quy hoạch xây dựng; Hiện trạng môi trường, an ninh; Thời hạn sử dụng đất; Các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất...); Quy định các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất nông nghiệp (gồm: Năng suất cây trồng, vật nuôi; Vị trí, đặc điểm thửa đất, khu đất; Điều kiện giao thông phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Thời hạn sử dụng đất; Các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất...).
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/01/2025. Trường hợp phương án giá đất đã trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể theo phương án đã trình mà không áp dụng quy định của Quyết định này.
Ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Tại Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 15/01, UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung đến năm 2025: Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển xã hội số lấy người dân làm trung tâm; phát huy vai trò của doanh nghiệp; có cách tiếp cận linh hoạt, tạo mọi điều kiện cho đổi mới, sáng tạo trên nền tảng số; Phấn đấu tỉnh Kon Tum thuộc nhóm 35 tỉnh/thành trong cả nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi số...
Về định hướng đến năm 2023: Triển khai các nền tảng chính quyền số, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT) để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: Y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, thể thao và du lịch, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, tài nguyên và môi trường, công nghiệp, năng lượng... Cụ thể hóa các mục tiêu đề ra tại các chương trình, kế hoạch của tỉnh.
Điều chỉnh mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội
Tại Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 16/01, UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh (chưa tính thuế giá trị gia tăng) từ ngày 01/01/2025 trở đi là 56.790 đồng/hộ/tháng. Mức hỗ trợ sau khi tính thuế giá trị gia tăng (108%) từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025 là 61.300 đồng/hộ/tháng.
Từ ngày 01/7/2025 trở đi, căn cứ mức thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại thời điểm hỗ trợ, UBND các huyện, thành phố tính toán, xác định mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo phương pháp tính nêu trên và chi trả kịp thời chế độ, chính sách cho đối tượng trên địa bàn theo đúng quy định.
UBND tỉnh yêu cầu kết thúc niên độ 2025, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo quyết toán thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội năm 2025 (chi tiết số hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, kinh phí thực hiện tương ứng trên địa bàn, kèm theo xác nhận của Kho bạc Nhà nước) gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh trước ngày 10/02/2026 để thẩm định.
Tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Tại Công văn số 184/UBND-KGVX ngày 17/01, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả, kịp thời công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Theo dõi, kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai phân bổ gạo của Chính phủ hỗ trợ cho Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2025.
Giao UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế của địa phương có kế hoạch triển khai các giải pháp đảm bảo công tác an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tiếp tục chỉ đạo rà soát tình hình người dân có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và đói giáp hạt đầu năm 2025; chủ động huy động nguồn lực, trong đó bố trí ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không để người dân nào thiếu đói dịp Tết nguyên đán và giáp hạt năm 2025.
Thực hiện tốt công tác quản lý cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, không để gây mất ổn định tình hình chính trị, xã hội tại địa phương trong dịp Tết Nguyên đán. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường tự kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu dân cư thuộc địa bàn quản lý...
Thái Ninh
Tin tức liên quan