Chủ nhật, Ngày 23/02/2025 -

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật từ ngày 17-21/02/2025
Ngày đăng: 23/02/2025  09:27
Mặc định Cỡ chữ
(http://kontum.gov.vn): Triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các hội cấp tỉnh; Tăng cường công tác phòng chống bệnh Cúm gia cầm; Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển kinh tế ban đêm; Triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm; Quy định việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt; Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen; Triển khai các giải pháp để khôi phục, phát triển cà phê chè; Tiếp tục tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia; Bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân; Triển khai công tác tuyển sinh, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 17-21/02/2025.

 

Ảnh minh họa

 

Triển khai thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các hội cấp tỉnh

 

Ngày 17/02, UBND tỉnh ban hành Công văn số 494/UBND-NC yêu cầu Liên minh Hợp tác xã tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện sáp nhập, hợp nhất về Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai thực hiện tiếp nhận nhiệm vụ, hoàn thiện quy trình hồ sơ, thủ tục theo quy định.

 

Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh trên cơ sở báo cáo, đề xuất của hội, hoàn thiện quy trình hồ sơ, thủ tục tự giải thể.

 

Vận động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thực hiện sáp nhập vào Hội Chữ thập đỏ tỉnh (dự kiến tên gọi: Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kon Tum); Vận động Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh và Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh, thực hiện sáp nhập, hợp nhất thành 01 hội (dự kiến tên gọi: Hội Hữu nghị và người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh Kon Tum); Vận động Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất thành 01 hội.

 

Đối với các Hội cấp tỉnh còn lại, tổ chức thực hiện đánh giá để xem xét kết quả, hiệu quả hoạt động của hội. Trên cơ sở kết quả tự đánh giá, đề xuất việc sắp xếp, tổ chức lại; trong đó, thực hiện sáp nhập, hợp nhất các Hội có tính chất tương đồng hoặc tự giải thể đảm bảo theo quy trình, quy định...

 

Đảm bảo công tác bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến hoạt động sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy

 

Tại Công văn số 505/UBND-NC ngày 17/2, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy và đại hội Đảng các cấp; Tổ chức thực hiện nghiêm Luật Tiếp cận thông tin, quy định về kỷ luật phát ngôn của Đảng, đặc biệt là cung cấp thông tin, tài liệu BMNN liên quan đến Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng cho tổ chức, cá nhân, các cơ quan, phóng viên báo chí trong và ngoài nước.

 

Đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ, rà soát tiêu chuẩn cán bộ, đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật để làm tốt công tác bảo vệ BMNN theo đúng quy định.

 

Nghiêm cấm việc đăng tải, truyền đưa những thông tin BMNN phục vụ Đại hội Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử và các trang mạng xã hội. Mọi thông tin, tài liệu BMNN phục vụ chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp phải được quản lý, bảo vệ nghiêm theo quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN, không để sơ hở, thiếu sót, làm lộ, mất, thất lạc, không để đối tượng xấu lợi dụng thu thập BMNN, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, kích động Nhân dân gây rối an ninh, trật tự. Cơ quan, đơn vị, địa phương để xảy ra vi phạm, làm lộ, mất, thất lạc BMNN thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách liên đới và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Tăng cường công tác phòng chống bệnh Cúm gia cầm

 

Tại Công văn số 516/UBND-NNTN ngày 18/02, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm theo quy định và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh;

 

Rà soát, tổ chức tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm;

 

Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút Cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm;

 

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gia cầm;

 

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm.

 

Đối với các địa phương có đường biên giới quốc gia, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị  có liên quan chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở, khu vực biên giới nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

 

Tiếp tục triển khai Đề án Phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Kon Tum

 

Tại Công văn số 524/UBND-KTTH ngày 19/02, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân về phát triển nền kinh tế ban đêm; triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 

Cải thiện năng lực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; thu hút các nhà đầu tư triển khai dự án thương mại - dịch vụ - du lịch, các dự án quy mô lớn, các khu phức hợp ăn uống, vui chơi, giải trí, từng bước hình thành các khu vực phát triển KTBĐ. Chủ động rà soát các khó khăn vướng mắc và kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, hoạt động KTBĐ để nâng cao kỹ năng; tăng cường vận dụng sáng tạo, linh hoạt, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển KTBĐ.

 

Duy trì triển khai thí điểm mô hình phát triển KTBĐ trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông; các địa phương khác tiếp tục nghiên cứu, tham khảo, trao đổi kinh nghiệm để triển khai mô hình phát triển KTBĐ phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn của địa phương. 

 

Phát triển đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm trong hoạt động du lịch gắn với KTBĐ đêm. Kết nối giữa các huyện, thành phố và các tỉnh bạn, các Công ty lữ hành tổ chức các tour tham quan, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật; khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, di tích lịch sử, di sản vật thể và phi vật thể; đồng thời kêu gọi, khuyến khích sự tham gia của các mặt hàng đặc trưng như sản phẩm OCOP, các sản phẩm về sâm, dược liệu, thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ,…

 

Nâng cao công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng kích thích phát triển KTBĐ. Tăng cường nhân lực trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn - xã hội, y tế, vệ sinh môi trường,... trong hoạt động KTBĐ.

 

Triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

 

Tại Công văn số 539/UBND-KTTH ngày 19/02, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh tại các kết luận hằng tháng, quý; Bắt tay vào công việc sau dịp nghỉ tết, tập trung hoàn thành đúng tiến độ các công việc của tháng 02 và quý I/2025.

 

Tiếp tục thực hiện tinh gọn tổ chức, bộ máy để đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động; lựa chọn, bố trí đúng cán bộ tốt, thực sự có đức, có tài, có khát vọng cống hiến, thực sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

 

Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về phát triển KTXH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng cả nước đạt 8% trở lên, tạo đà để tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Giải quyết nhanh khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh đầu tư toàn xã hội, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

 

Rà soát các công trình, dự án treo gây lãng phí và có giải pháp đưa vào hoạt động, không để nguồn lực bị tồn đọng; tập trung rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng, kéo dài, gây thất thoát, lãng phí lớn trong một số lĩnh vực như đất đai, môi trường, tài nguyên, khoáng sản, việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công...

 

Quy định việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt

 

Ngày 19/02, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/2025/QĐ-UBND quy định việc rà soát, công bố công khai, lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt và việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Theo đó, tiêu chí rà soát các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 47 Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

 

Việc rà soát, lập danh mục do UBND cấp xã thực hiện vào quý III hàng năm; tổ chức thông báo và lấy ý kiến người dân về danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước trực tiếp quản lý bằng hình thức niêm yết tại trụ sở của UBND cấp xã, tại các điểm dân cư hoặc Tổ dân phố hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng và thông báo trên phương tiện truyền thanh địa phương; tổng hợp ý kiến của Nhân dân, phối hợp giải quyết các ý kiến của người dân và báo cáo UBND cấp huyện chỉ đạo việc phê duyệt Phương án quản lý, sử dụng đất đối với danh mục các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt.

 

Trên cơ sở phương án các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do Nhà nước quản lý đã được phê duyệt, UBND cấp huyện ưu tiên bố trí các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt cho mục đích công cộng như đường giao thông, lối đi chung cho khu dân cư, đất cây xanh, điểm tập kết rác thải và các mục đích công cộng khác.

 

Trường hợp thửa đất không thể bố trí cho mục đích công cộng, UBND cấp huyện tiến hành giao đất cho người sử dụng đất liền kề có đủ điều kiện để hợp thửa theo quy định; trường hợp có hai người trở lên có đủ điều kiện hợp thửa và có nhu cầu sử dụng thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt thì tổ chức đấu giá để xác định đối tượng giao đất...

 

Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông đến năm 2025

 

Tại Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 20/02, UBND quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045.

 

Quy định áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập quy hoạch đô thị, khu chức năng, quy hoạch nông thôn; quản lý phát triển, đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang đô thị, nông thôn trên địa bàn thị trấn Măng Đen và 05 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đảm bảo theo đúng đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Phạm vi áp dụng quy định gồm toàn bộ phần diện tích tự nhiên của thị trấn Măng Đen và 05 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cụ thể: (1) Khu trung tâm dịch vụ du lịch tổng hợp chất lượng cao tại thị trấn Măng Đen; (2) Khu trung tâm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể dục thể thao tại xã Măng Cành; (3) Khu nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe tại xã Măng Bút; (4) Khu trung tâm du lịch văn hóa tại xã Đăk Tăng; (5) Khu trung tâm du lịch sinh thái gắn với vùng trồng cây công nghiệp xứ lạnh tại xã Hiếu; (6) Khu trung tâm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tại xã Pờ Ê.

 

Đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp để khôi phục và phát triển cà phê chè

 

Tại Công văn số 554/UBND-NNTN ngày 20/02, UBND tỉnh giao UBND các huyện: Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện các chỉ tiêu khôi phục và phát triển cà phê chè theo đúng chủ trương, định hướng, kế hoạch của tỉnh; tham gia hợp tác liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê với Doanh nghiệp, Hợp tác xã; vận động người dân tự làm vườn ươm để sản xuất cây giống phát triển sản xuất, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động tập huấn kỹ thuật làm vườn ươm, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê chè do các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện.

 

Xây dựng Kế hoạch cụ thể của địa phương, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách được phân cấp, các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó tập trung đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ hình thành các vườn ươm trên địa bàn các xã trồng cà phê chè (hỗ trợ nguồn hạt giống, vật tư dựng vườn ươm và hướng dẫn kỹ thuật vườn ươm, …) để chủ động nguồn cây giống tự sản xuất; tiếp tục hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp khác nhằm đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trồng mới, tái canh, cưa đốn phục hồi năm 2025.

 

Tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các khu vực phát triển vùng nguyên liệu tập trung và cơ sở chế biến cà phê. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên và các quy định về sản xuất cà phê bền vững không ảnh hưởng đến môi trường rừng đáp ứng quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR)...

 

Tiếp tục tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia

 

Tại Công văn số 570/UBND-KGVX ngày 21/02, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, có biện pháp phòng ngừa, xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên trong phạm vi quản lý nếu vi phạm quy định  điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; thực hiện nghiêm quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc trong lực lượng vũ trang uống rượu, bia hoặc các loại đồ uống có nồng độ cồn tương đương trong thời gian làm việc theo quy định.

 

Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng đối với công tác phòng, chống tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để đảm bảo an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội; tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội; tuyên truyền về quy định thời gian, địa điểm không được uống, không được bán rượu, bia và thực hiện các quy định khác trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

 

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết; xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm theo quy định.

 

Chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân

 

Ngày 21/02, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND yêu cầu các các ngành, địa phương chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

 

Theo đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025 - 2030, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với yêu cầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy và khẩn trương hoàn thành nhanh nhất các công trình, dự án nguồn điện, truyền tải điện trong phạm vi quản lý của tỉnh; tuyệt đối không để các dự án, công trình ách tắc do việc xử lý chậm trễ các thủ tục hành chính của đơn vị.

 

Chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị, Công điện, văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai, đề nghị thực hiện của Bộ Công Thương và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

 

Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện; tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích sáng tạo trong thực hiện công tác tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao nhất.

 

Sở Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về việc bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2025 và các năm tiếp theo; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thường xuyên theo dõi diễn biến của nhu cầu điện và các yếu tố phát sinh để kịp thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương theo quy định.

 

Triển khai công tác tuyển sinh, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm

 

Ngày 21/02, UBND tỉnh ban hành Công văn số 577/UBND-KGVX chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tỉnh triển khai công tác tuyển sinh, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm và một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

 

Theo đó, UBND các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo tuyển sinh trung học cơ sở và quyết định phê duyệt kế hoạch tuyển sinh trung học cơ sở thuộc quyền quản lý, đảm bảo phân tuyến hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học tập tại địa phương. Công bố phương án tuyển sinh THCS năm học 2025-2026 trong tháng 02/2025 để học sinh, giáo viên và các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông chủ động chuẩn bị công tác tuyển sinh;

 

Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ tài chính hiện hành lập dự toán kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm của các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý; đồng thời, không để học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục không được đến trường;

 

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc quyền quản lý thường xuyên tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh về các quy định liên quan đến tuyển sinh và dạy thêm, học thêm; tăng cường, bổ sung các hoạt động câu lạc bộ, các hoạt động phát triển năng khiếu, rèn luyện kĩ năng sống, đảm bảo phù hợp với đặc điểm địa phương và thời gian đưa đón của cha mẹ học sinh; thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm;

 

Hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục phổ thông, đơn vị thuộc quyền quản lý để tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp, học sinh ôn thi tốt nghiệp Trung họch phổ thông, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu ở học kỳ liền kề;

 

Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tuyển sinh trung học cơ sở thuộc quyền quản lý, đảm bảo không để xảy ra tình trạng chạy trường, chạy lớp; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.

 

UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông; Quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm và công khai các trường hợp sai phạm theo quy định; Hướng dẫn các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức các hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật...

 

Thái Ninh