Thứ 3, Ngày 06/05/2025 -
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND và Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và lãnh đạo các huyện, thành phố của tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, qua 04 năm triển khai tthực hiện, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) đã được cả hệ thống chính trị tích cực vào cuộc, các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS đồng tình, hưởng ứng, đạt được kết quả, như: Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến Cuộc vận động được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, với những nội dung, hình thức đa dạng, phong phú.
Công tác xây dựng mô hình điển hình tiên tiến, đặc biệt là các mô hình giúp nhau làm kinh tế được chú trọng, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì 1.248 mô hình hỗ trợ giúp nhau làm kinh tế, chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật…; thu hút 23.636 lượt người tham gia (trong đó có 6.737 lượt hộ nghèo, 3.858 lượt hộ cận nghèo là đồng bào DTTS); các mô hình trên đã huy động được trên 140 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu về số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu; biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; có đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện; tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2024, đã có 3.540 hộ nghèo là đồng bào DTTS thoát nghèo, 967 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS thoát nghèo so với năm 2023.
Ban Thường vụ các huyện, thành ủy đã chỉ đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố; đảng các xã, phường, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, lựa chọn duy trì và xây dựng được 1.243 mô hình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nhau phát triển kinh tế, chỉnh trang cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuyên truyền, vận động xoá bỏ các hủ tục lạc hậu... Các mô hình đã huy động được trên 137,9 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ 32.960 lượt hộ dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Quang cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn; Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông và một số các hộ gia đình tiêu biểu trình bày tham luận, chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện...
Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân |
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 05 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24-02-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bảo đảm khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS, gắn với xây dựng thôn (làng) NTM và xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.
Phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phân công cán bộ, đảng viên, cộng tác viên, cá nhân tiêu biểu trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để vươn lên thoát nghèo bền vững; giúp bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất; tính toán chi tiêu hợp lý trong sản xuất và tiêu dùng...
Thực hiện lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội trong quá trình triển khai Cuộc vận động và các phong trào, cuộc vận động khác do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo", gắn với xây dựng mô hình "Dân vận khéo" tại các thôn (làng) trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong quản lý, bảo vệ các công trình phúc lợi xã hội do Nhà nước đầu tư để sử dụng lâu dài, bền vững; tăng cường đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội thông qua các phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
Đồng chí cũng đề nghị, sau khi hợp nhất tỉnh và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp đi vào hoạt động, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã (mới) tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa Cuộc vận động. Đồng thời, bổ sung nội dung cuộc vận động vào văn kiện đại hội Đảng bộ cấp xã (mới), bảo đảm việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất theo đúng tinh thần "cấp ủy, chính quyền cơ sở gần dân, sát dân".
Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên sơ kết để đánh giá kết quả thực hiện và biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả để Cuộc vận động thật sự đạt kết quả thực chất.
Đồng chí Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy bày tỏ tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thời gian tới, Cuộc vận động sẽ đạt hiệu quả cao hơn nữa, thực chất hơn nữa, góp phần khơi dậy khát vọng vươn lên trong mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Minh Huệ
Tin tức liên quan